Documentary

L'Documentary: Huyền thoại thời trang cao cấp Christian Dior

Là một trong những nhà thiết kế thời trang vĩ đại nhất lịch sử, Christian Dior luôn dành trọn tâm huyết và đam mê cháy bỏng vào từng sản phẩm.
person human

Sinh ra tại thị trấn ven biển Granville trên bờ biển Normandy vào năm 1905, Christian Dior là con thứ 2 trong gia đình 5 người con của một nhà sản xuất phân bón giàu có. Vào năm 5 tuổi, ông cùng gia đình chuyển tới thủ đô Paris. 

Khi còn nhỏ tuổi, Dior đã thể hiện rất rõ niềm đam mê với nghệ thuật và khao khát trở thành kiến trúc sư. Tuy nhiên, gia đình ông lại không ủng hộ điều đó. Vì vậy, dưới áp lực của bố, cuối cùng Dior đã phải theo đuổi ngành học Chính trị để có thể trở thành nhà ngoại giao. Sau khi hoàn thành việc học, ông đã thuyết phục được bố đầu tư một khoản tiền để mua lại một phòng tranh nghệ thuật, nơi mà ông cùng bạn mình trưng bày và bán tranh của những nghệ sĩ đáng chú ý thời đó, trong đó có cả Pablo Picasso.

Sau khi cuộc Đại suy thoái xảy ra vào năm 1929, cùng với cái chết của mẹ và anh trai và công việc kinh doanh của bố ông bị phá sản, Dior buộc phải đóng cửa phòng tranh. Ông bắt đầu làm việc với nhà thiết kế thời trang Robert Piguet cho đến khi bị gọi nhập ngũ vào năm 1940. Đây chính là mốc thời gian quan trọng trong sự nghiệp thời trang của nhà sáng lập Dior. Sau khi xuất ngũ, ông đã làm việc cùng Pierre Balmain với tư cách là nhà thiết kế chính của Lucien Long.  

Với sự hậu thuẫn hết mình từ Marcel Boussac - ông hoàng ngành dệt may thời bấy giờ, nhà thiết kế người Pháp đã mở ra nhà mốt của riêng mình dưới cái tên của chính ông - Christian Dior. Điều này không chỉ gây nên một tác động mạnh tới thời trang Paris, mà còn là tiếng vang lớn trong ngành thời trang thế giới. 

Vào ngày 12/02/1947, bộ sưu tập đầu tiên của nhà tạo mẫu được ra đời với tên gọi “New Look" (dựa trên những bình luận của biên tập viên huyền thoại của Harper's Bazaar - Carmel Snow về bộ sưu tập), mang ý nghĩa giải phóng phụ nữ khỏi những định kiến về thời trang hiện đại của những thập niên 20 và 30. Dior mang đến cho làng thời trang thế giới hình ảnh của người phụ nữ với chiếc áo bó sát và phần hông độn, vòng eo nhỏ nhắn và chân váy chữ A.

dior1.jpg

Với sự ra mắt bộ sưu tập đầu tiên, Dior đã trở thành ngôi sao mới nổi bật nhất của làng thời trang cao cấp thời hậu chiến với những thiết kế cho phụ nữ đương đại. Những mẫu thiết kế này lập tức trở nên vô cùng phổ biến với những người phụ nữ tầng lớp thượng lưu, và sau đó là trung lưu thời bấy giờ. Thậm chí, ở Mỹ và châu Âu, những người với khả năng tài chính thấp hơn đã tìm đến các tiệm may và yêu cầu thợ may mô phỏng theo những mẫu thiết kế của Dior với giá rẻ hơn nhiều. Để luôn là người dẫn đầu trong trào lưu thời trang, nhà tạo mẫu liên tục cho ra mắt phong cách mới. Bộ sưu tập mùa Thu 1948 của ông nhấn mạnh vào đường viền cổ áo và kết hợp thêu ren.

dior2.jpg

Lấy cảm hứng từ thần thoại La Mã, nhà mốt Dior trình làng bộ sưu tập mùa Thu 1949 với những cánh hoa ombre, kim sa, kim cương giả và ngọc trai. Ngày nay, hình ảnh chiếc váy “Junon" vẫn được nhiều nhà thiết kế lấy làm cảm hứng hoặc sao chép lại.

dior3.jpg

Những năm đầu của thập kỷ 50, Dior đã có nhiều sự biến đổi trong phong cách. Những thiết kế của ông trong khoảng thời gian này được lấy cảm hứng từ bộ lễ phục của nam giới. Mặc dù vẫn còn giữ được kiểu dáng đặc trưng từ “New Look", bộ sưu tập mùa Xuân năm 1950 đã có hơi hướng khiêm tốn và gọn gàng hơn.

1 / 2

Những thiết kế năm 1951 của nhà mốt mang làn gió nhẹ nhàng và đơn giản. Và đương nhiên, với những sản phẩm thời trang cao cấp, không có gì là thực sự đơn giản. Những đường viền cổ áo được chế tạo bởi một hệ thống dây trong phức tạp để có thể giữ nguyên được phom áo. 

Những chiếc váy được ra đời dưới cái tên Dior vào năm 1952 được Town & Country đánh giá là “đầm tiệc tối có thể mặc cả ngày", có lẽ bởi sự sang trọng nhưng thoải mái của chúng. Với cấu trúc bên ngoài hơi cứng nhắc, được thắt chặt ở eo và phồng ở quanh hông, phần trên  chiếc váy bao gồm phần tay áo dài cùng với cổ tròn và một khe hở nhỏ vừa vặn đến ngang ngực, thiết kế tưởng chừng như đơn giản này lại được thực hiện một cách vô cùng tỉ mỉ. Chính điều này đã đem đến sự sang trọng và thanh lịch cho người mặc nó.

Ngoài những ngày tháng làm việc ở kinh đô thời trang Paris, Monsieur Dior cũng dành nhiều thời gian sáng tạo tại quê nhà. Những tác phẩm được ra mắt năm 1953 được lấy cảm hứng từ việc làm vườn của chính nhà tạo mẫu. 

Với bộ sưu tập mùa Thu năm 1954, nhà thiết kế huyền thoại của chúng ta lần đầu tiên đã đem đến trào lưu váy chữ H. Với phần vải bọc ở ngực và đường viền cổ áo sắc nét hình chữ H, các thiết kế của Dior được ca ngợi vì đã mở ra một hình ảnh nữ tính hoàn toàn mới lạ vào thời điểm đó.

Những mẫu váy cùng với áo jacket xuất hiện vào mùa Xuân năm 1955 được đem đến cho người yêu mến thời trang qua hình ảnh của những cô người mẫu với bờ vai mảnh mai, nhỏ nhắn, loe dần nhẹ nhàng từ áo tới chân váy để tạo ra dáng của một chữ A. 

Với bộ sưu tập ra mắt vào mùa Xuân năm 1956, Dior đã trình làng những mẫu váy và áo khoác nổi tiếng nhất của nhãn hàng thời trang. Vòng eo của người mẫu được tôn vinh một cách nhẹ nhàng và tinh tế thông qua chiếc thắt lưng vải chính là sáng tạo mới nhất của ông.

Hai bộ sưu tập Xuân và Thu 1957 là những thiết kế cuối đời của nhà tạo mẫu vĩ đại Christian Dior. Trước khi qua đời, ông đã để lại cho lịch sử thời trang thế giới một kho tàng những tuyệt phẩm mà ngay cả đến sau này, nhiều nhà thiết kế vẫn luôn muốn học hỏi và lấy làm nguồn cảm hứng. Những mẫu váy dạ hội rực rỡ và lãng mạn trong chất liệu vải lụa mềm mại cùng với vải taffeta xếp lớp là điểm nổi bật nhất của bộ sưu tập mùa Xuân 1957.

Sự khác biệt mạnh mẽ với những tác phẩm đầu tay của nhà tạo mẫu người Pháp được thể hiện rõ nhất qua những tác phẩm cuối cùng của ông. Thay vì thắt chặt phần eo để làm nổi bật vòng eo nhỏ nhắn của người mẫu, những chiếc váy ở bộ sưu tập mùa Thu năm 1957 có phong cách nhẹ nhàng hơn và đi theo đường viền của cơ thể. 

 

Tổng hợp: CHI LE

Recommended posts for you