#CraftsmanshipIssue Để Pháp lam Huế không vướng vào lối mòn
60 năm, đủ để pháp lam len lỏi trong cuộc sống xứ Huế, nhưng không đủ để nó hòa vào dòng chảy biến động của thời cuộc. 200 năm, đủ để người ta chắc mẩm nghề làm pháp lam đã thất truyền, nhưng lại không đủ để người ta lãng quên.
Đứng trước những quần thể kiến trúc cung đình Huế, ta thấy pháp lam ở khắp nơi: Điện Thái Hòa; trên nghi môn hai đầu cầu Trung Đạo; Nhật Tinh Môn, Nguyệt Anh Môn, Hiển Lâm Các trong Đại Nội; điện Sùng Ân, Minh Lâu trong lăng Minh Mạng; điện Hòa Khiêm trong lăng Tự Đức; điện Biểu Đức trong lăng Thiệu Trị; điện Ngưng Hy trong lăng Đồng Khánh… Giữa không khí cung kính và uy nghiêm, pháp lam Huế hiện lên như một điểm nhấn tươi vui, chào đón người lữ khách đến với Cố đô.
Kim loại và men, hai vật liệu tưởng như không tương đồng, cùng được nung ở nhiệt độ cao lại tạo ra những sản phẩm vững vàng qua hàng trăm năm mặc cho khí hậu khắc nghiệt. Trên thực tế, ở Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước phương Tây, các chế phẩm cốt đồng, bề mặt tráng men này được biết đến với những cái tên khác như pháp lang, shipouyaki hay painted enamels; nhưng chủ yếu là vật dụng sinh hoạt nhỏ hoặc đồ lưu niệm, trong khi các nghệ nhân thời Nguyễn đã đi xa hơn một bước, tận dụng pháp lam như một vật liệu kiến trúc.
Còn trong xưởng sản xuất ngày nay, pháp lam Huế cũng đang có những bước tiến rất xa so với nguyên bản. Chỉ duy nhất một nơi ở Việt Nam sản xuất vật liệu này, cũng là đơn vị duy nhất được tín nhiệm tu bổ các công trình kiến trúc cung đình Huế – Nhóm nghệ nhân của anh Đỗ Hữu Triết đã nghiên cứu và phục dựng thành công các kỹ thuật pháp lam Huế từ giữa những năm 2000, mở ra không gian giữ lửa và phát triển nghề này sau 200 năm các bí quyết sản xuất thất truyền.
Pháp lam Huế ngày nay không chỉ sừng sững nơi cung điện nguy nga, mà còn dần dà bước vào cuộc sống của người dân, trong hình dáng của những chiếc bình, chóe thờ, đèn trần, nữ trang và thậm chí là tác phẩm mỹ thuật. Chưa hết, “chúng ta đang ở bước đột phá về vật liệu”, Đỗ Hữu Triết cho biết. Đầu năm nay, anh và cộng sự đã thành công tạo ra những sản phẩm mang tính chất nửa gốm, nửa kim loại trên nền tảng kỹ thuật sản xuất pháp lam, đặt tên Việt Kim Diêu. “Pháp lam không dừng lại ở men, đồng hay bạc nữa”, anh Triết chia sẻ. “Chúng ta có thể đi xa hơn, rộng hơn. Pháp lam có thể phục vụ được nhiều người và nhiều nhu cầu hơn”. Như mọi ngành thủ công khác, nghề làm pháp lam đang được máy móc và công nghệ hỗ trợ rất nhiều, bởi vậy nên đường nét sắc sảo hơn, giá thành phù hợp với đại chúng hơn. Có thể nói, khi trở lại, pháp lam Huế đang rực rỡ hơn bao giờ hết.
Tuy vậy, có một sự thật rằng pháp lam rất kén người làm. Vừa phải am hiểu lịch sử, vừa phải rành kỹ thuật thủ công, nghệ nhân pháp lam không chỉ là một người thợ, một nghệ sĩ, mà còn là một nhà nghiên cứu, nhà khoa học. “Pháp lam yêu cầu sự tỉ mỉ”, anh Triết chia sẻ. “Nó vượt lên trên mỹ nghệ, nhưng để đạt đến mỹ thuật thì cần tài năng của người nghệ sĩ, và cần kỷ luật nữa”. Ý nghĩa của pháp lam Huế nằm ở những nguyên tắc kỹ thuật được phục dựng từ thời nhà Nguyễn, vậy nên nó không phóng khoáng như những chất liệu khác. Với nền tảng nghiên cứu và phục chế pháp lam Huế, anh Triết cùng cộng sự tôi rèn được tính kỷ luật, luôn tuân theo những nguyên tắc cơ bản, từ đó mới phát triển, sáng tác… “Phải học chữ rồi mới viết văn được”, anh đùa. Đối với anh và những nghệ nhân, không gian sản xuất pháp lam Huế trên con đường Chi Lăng không đơn là công xưởng nơi công nhân đến làm việc đủ tám tiếng rồi nghỉ, mà nó là nơi sáng tạo nghệ thuật tràn đầy tự hào về văn hóa dân tộc.
“Dù có khó kiếm sống hơn các nghề khác, nhưng nghề này có niềm vui, có cộng đồng nhỏ này, và cả sự hãnh diện”, anh Triết kể.
Theo chia sẻ của anh, pháp lam Huế thu hút rất nhiều nghệ sĩ – những người bỏ tâm hồn vào tác phẩm để đưa nó đi xa hơn. Làm việc cùng anh có khoảng 7-8 họa sĩ ở mọi độ tuổi. Những người trẻ cặm cụi với cọ và men, lau mồ hôi gò khung kim loại. Người tu sĩ hơn 80 tuổi ngắm nghía tác phẩm vừa mới ra lò, theo đúng nghĩa đen. “Khi có tuổi, người ta có thời gian, làm vì đam mê. Còn người trẻ vẫn phải kiếm sống. Làm sao để dung hòa và tiếp sức cho những nhu cầu khác nhau như vậy?” – Anh Triết chia sẻ về một trong nhiều bài toán khó khi là người tiên phong dẫn dắt. Để giải quyết vấn đề này, cũng là một mối quan tâm của riêng mình, anh liên tiếp nỗ lực đưa pháp lam Huế vào những cuộc triển lãm, kết hợp với những ngành nghề và bộ môn khác, để nghệ nhân có thể thấy được giá trị và tiềm năng của công việc mình đang làm.
Trong thời gian tới, xưởng pháp lam Huế đang chuẩn bị cho một dự án tích hợp đồ gốm gần 300 năm tuổi được trục vớt từ sông Hương, tạo thành những tác phẩm kết nối quá khứ và hiện tại. “Phối hợp kỹ thuật khảm sành sứ đặc biệt của Huế, bàn tay họa sĩ sẽ mang lại những điều độc đáo”, anh Triết tiết lộ.
Cuối cùng, buôn phải có bạn, bán phải có phường. Trong hoàn cảnh chỉ có một xưởng pháp lam Huế đang hoạt động, khi được hỏi về tiềm năng phát triển và kết nối của nghề, anh Triết chỉ cười: “Nói về hội nghề thì chỉ có một mình tôi”. Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ về những người trẻ ở các thành phố khác đang nghiên cứu về pháp lam Huế, “nhưng đang ở những bước đi đầu tiên”. Đối với anh, xuất hiện cạnh tranh là một tín hiệu đáng mừng. Càng mừng hơn khi pháp lam có thể đang được phát triển ở một địa điểm mới, độc lập và tách biệt với phương hướng cũng như gu thẩm mỹ của chính anh. “Nếu cứ mãi ở đây, tôi sợ pháp lam Huế sẽ vướng vào lối mòn, gặp hạn chế trong sáng tạo”, anh nói. Hiểu được nguyên tắc để phá vỡ nó và tạo ra điều đột phá, đó là một hành trình cần thiết để truyền thống hòa hợp với cuộc sống hiện tại.