Các giám đốc sáng tạo có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử thời trang
Trò chơi "sao đổi ngôi" trong thế giới thời trang – nơi các giám đốc sáng tạo không ngừng được chiêu mộ, thay thế, hay luân chuyển qua các thương hiệu danh tiếng – vốn đã là điều không mấy xa lạ. Tuy nhiên, trong năm 2024, chúng ta đang chứng kiến tốc độ "thay máu" nhân sự nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Tháng 7 vừa qua, Estée Lauder Companies gây bất ngờ khi thông báo Peter Hawkings rời khỏi vị trí Giám đốc Sáng tạo (GĐST) của Tom Ford chỉ sau một năm gắn bó. Dù công ty hứa hẹn sẽ sớm công bố người kế nhiệm, sự ra đi của ông làm dấy lên nhiều đồn đoán và tò mò trong giới mộ điệu. Điều này cũng phản ánh một xu hướng thú vị khi hiện nay, nhiều thương hiệu danh tiếng đang rơi vào giai đoạn “khuyết” giám đốc sáng tạo.
Không chỉ riêng Tom Ford, năm vừa qua chứng kiến một loạt thay đổi nhân sự cấp cao tại Gucci, Chloé, Helmut Lang, Alexander McQueen, Maison Margiela, Tod’s, Rochas, Blumarine, Bally, Hervé Léger, và Fiorucci – tất cả đều chào đón những tài năng mới vào vai trò Giám đốc Sáng tạo hoặc Nghệ thuật. Chỉ còn vài ngày nữa bước sang năm 2025, các nhà mốt biểu tượng như Fendi, Helmut Lang, Y/Project vẫn chưa có người cầm trịch, mở ra một giai đoạn đầy tò mò và tiềm năng.
Dù thiếu vắng Giám đốc Sáng tạo thường đi kèm thách thức, đây cũng có thể là cơ hội quý giá để các thương hiệu tái định hình tầm nhìn và tìm kiếm cảm hứng mới. Thời gian “chuyển giao” này giúp họ đánh giá lại bản sắc, thử nghiệm ý tưởng táo bạo, và thậm chí bất ngờ chinh phục thị trường bằng những chiến lược đột phá. Với các nhà mốt có di sản vững chắc, họ hoàn toàn có thể tận dụng sức sáng tạo từ đội ngũ nội bộ để duy trì giá trị cốt lõi, đồng thời mở rộng biên độ khám phá, giữ cho thương hiệu luôn năng động và định hướng tương lai.
Giám đốc sáng tạo trong thời trang là ai?
Trong ngành thời trang, Giám đốc sáng tạo là người giữ vai trò chủ chốt trong việc định hình tầm nhìn và chiến lược tổng thể của thương hiệu. Công việc của họ không chỉ giới hạn ở thiết kế trang phục mà còn mở rộng đến việc xác định bản sắc thương hiệu, xây dựng phong cách sáng tạo, và đảm bảo mọi sản phẩm, chiến dịch hay bộ sưu tập đều truyền tải đúng tinh thần thương hiệu.
Ở thời điểm hiện tại, vai trò của giám đốc sáng tạo gắn bó chặt chẽ với thành công thương mại của thương hiệu. Chris Black, nhà sáng lập Done to Death Projects, chia sẻ với Ssense rằng: “Các giám đốc sáng tạo ngày nay không chỉ cần tạo ra những ý tưởng sáng tạo mà còn phải đảm bảo rằng chúng có thể chuyển hóa thành doanh số." Điều này nhấn mạnh một khía cạnh kinh doanh mà trước đây không được chú trọng trong vai trò này.
Về cơ bản, một giám đốc sáng tạo trong thời trang là sự hòa quyện giữa nghệ sĩ và chiến lược gia. Họ chịu trách nhiệm duy trì sự phù hợp, hấp dẫn và khả năng sinh lời của thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp thời trang.
Vì sao các giám đốc sáng tạo lại rời bỏ vị trí của mình?
Hiện nay, nhiệm kỳ của các giám đốc sáng tạo tại các nhà mốt ngày càng trở nên ngắn ngủi, chủ yếu do áp lực đổi mới không ngừng trong ngành thời trang. Amy Odell, tác giả của "Anna: The Biography" và nhà sáng lập bản tin “Back Row”, chia sẻ rằng: “Nhiệm kỳ của các giám đốc sáng tạo đã ngắn lại bởi các thương hiệu luôn tìm kiếm sự làm mới. Trong bối cảnh thị trường bão hòa, nhu cầu đổi mới liên tục trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.” Điều này dẫn đến việc các Giám đốc sáng tạo thường bị thay thế trước khi họ có đủ thời gian thiết lập hoàn chỉnh tầm nhìn của mình. Các thương hiệu mong muốn bơm năng lượng mới và khám phá góc nhìn sáng tạo mới, nhưng chính sự thay đổi nhanh chóng này lại tạo ra áp lực khổng lồ. Các giám đốc sáng tạo phải mang lại kết quả ngay lập tức, điều này đôi khi làm tổn hại đến sự phát triển nghệ thuật lâu dài và bền vững.
Ngoài ra, sự phát triển của kỹ thuật số, truyền thông xã hội, và thời trang nhanh đã thay đổi sâu sắc cách các thương hiệu kết nối với người tiêu dùng. Ngày nay, các giám đốc sáng tạo không chỉ đơn thuần là nhà thiết kế mà còn phải đảm nhận vai trò nhà tiếp thị và người định hướng xu hướng trên các nền tảng trực tuyến- một trách nhiệm không phải ai cũng sẵn sàng hoặc mong muốn đảm nhận.
Thay đổi trong nội bộ các công ty thời trang cũng là một yếu tố không nhỏ. Những biến động trong ban lãnh đạo, chẳng hạn như sự xuất hiện của một CEO hoặc nhà đầu tư mới, có thể mang đến chiến lược không đồng điệu với tầm nhìn của giám đốc sáng tạo, dẫn đến việc hai bên phải chia tay. Tương tự, trong nỗ lực định vị lại thương hiệu, các công ty có thể tìm kiếm hướng đi sáng tạo hoàn toàn khác biệt, dẫn đến sự ra đi của giám đốc hiện tại.
Đối với nhiều giám đốc sáng tạo, khát vọng phát triển bản thân và tìm kiếm những cơ hội mới chính là động lực lớn nhất dẫn đến quyết định rời đi. Sau nhiều năm gắn bó với một thương hiệu duy nhất, họ thường có xu hướng muốn chinh phục những thử thách mới, như ra mắt nhãn hiệu cá nhân, khám phá vai trò khác trong ngành thời trang, hoặc thậm chí bước chân vào các lĩnh vực sáng tạo khác như nghệ thuật, điện ảnh, và thiết kế. Ngoài ra, các vấn đề văn hóa và đạo đức cũng ngày càng có sức ảnh hưởng. Trước áp lực từ làn sóng kêu gọi tính bền vững và trách nhiệm xã hội, không ít giám đốc sáng tạo nhận ra sự khác biệt không thể hòa giải giữa quan điểm cá nhân và định hướng của thương hiệu, dẫn đến lựa chọn rời đi đầy dứt khoát. Vậy, hãy cùng chúng tôi điểm qua những tên tuổi đã bất ngờ nói lời chia tay, để lại sự ngỡ ngàng trong lòng giới mộ điệu.
6 tháng của Ludovic de Saint Sernin tại Ann Demeulemeester
Tháng 12 năm 2022, Ann Demeulemeester công bố bổ nhiệm Ludovic de Saint Sernin làm giám đốc sáng tạo qua những lời giới thiệu đầy cảm hứng: “Sự gợi cảm, đường nét uyển chuyển, hoang dã và cảm giác đồ họa là những trụ cột tạo nên ngôn ngữ sáng tạo mà Ludovic de Saint Sernin sẽ xây dựng, mở ra một chương mới cho Ann Demeulemeester.”
De Saint Sernin nhanh chóng chứng minh tài năng của mình trong buổi trình diễn ra mắt tại Tuần lễ thời trang Paris tháng 3 năm 2023. Tuy nhiên, hành trình của nhà thiết kế người Bỉ tại Ann Demeulemeester bất ngờ kết thúc chỉ sau một mùa thời trang. Tháng 6 cùng năm, ông chính thức rời khỏi vai trò giám đốc sáng tạo. Nguyên nhân cụ thể vẫn còn là ẩn số, nhưng các nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng những khác biệt trong cách quản lý giữa de Saint Sernin và đội ngũ Ann Demeulemeester đã góp phần dẫn đến sự chia tay này. Một số ý kiến khác cho rằng ông gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa nhãn hiệu riêng mang tên mình và trách nhiệm tại Ann Demeulemeester.
4 tháng của Walter Chiapponi tại Blumarine
Chiapponi đảm nhiệm vai trò giám đốc sáng tạo tại Blumarine vào tháng 11/2023, gây bất ngờ khi thay thế Nicola Brognano, người đã thành công hồi sinh thương hiệu từ năm 2019 với phong cách thẩm mỹ Y2K. Trái ngược với hình ảnh bướm rực rỡ và sự gợi cảm hiện đại của Brognano, bộ sưu tập duy nhất của Chiapponi cho mùa Thu-Đông 2024 mang phong cách lãng mạn, tinh tế hơn với giày ren, váy mỏng, và họa tiết hoa trên lụa.
Dù Blumarine không đưa ra lý do cụ thể cho sự ra đi chỉ sau vỏn vẹn 4 tháng gắn bó, Chiapponi đã từng mô tả năm 2023 là “năm khủng khiếp” trong bài đăng đầy cảm xúc trên Instagram. Ông chia sẻ về những mất mát cá nhân đau đớn, bao gồm cái chết đột ngột của cháu trai, người bạn thân Davide Renne (người vừa được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo tại Moschino), và chú chó yêu quý của ông. Trong tuyên bố chia tay, Chiapponi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Marco Marchi, giám đốc của Eccellenze Italiane Holding, công ty mẹ của Blumarine:
“Cảm ơn Marco Marchi vì cơ hội quý giá này, và cảm ơn tất cả những người đã đồng hành cùng tôi để biến ý tưởng thành hiện thực. Đặc biệt, tôi muốn gửi lời tri ân đến những người tôi yêu thương nhưng không còn bên cạnh. Họ tiếp tục truyền cảm hứng và cảm xúc mãnh liệt cho hành trình của tôi.”
Ông cũng tiết lộ kế hoạch tạm dừng sự nghiệp thời trang để tập trung vào các dự án xã hội và nhân đạo trước khi quay trở lại sàn diễn thời trang vào một thời điểm thích hợp. Sự ra đi của Chiapponi để lại một khoảng trống, đồng thời mở ra những kỳ vọng về tương lai mới cho Blumarine và cả hành trình tiếp theo của nhà thiết kế tài năng này.
10 tháng của Peter Hawkings tại Tom Ford
Estée Lauder – công ty mẹ của thương hiệu Tom Ford – công bố vào sáng ngày 22/7/2024 rằng Giám đốc sáng tạo Peter Hawkings sẽ rời thương hiệu. Người kế nhiệm gần đây đã được công bố là Haider Ackermann.
Peter Hawkings, người có mối quan hệ thân thiết kéo dài gần 25 năm với Tom Ford, đã từng đảm nhận vai trò phó chủ tịch cấp cao của dòng thời trang nam trước khi trở thành giám đốc sáng tạo. Khi Hawkings được bổ nhiệm, chính Tom Ford đã ca ngợi ông là một nhà lãnh đạo vô cùng tài năng, với kinh nghiệm dày dặn trong ngành.
Tuy nhiên, sự thay đổi này không quá bất ngờ khi Tập đoàn Zegna, đơn vị đang nắm giữ quyền sản xuất dòng quần áo của Tom Ford theo thỏa thuận cấp phép kéo dài 20 năm, đang tập trung mở rộng doanh số dòng thời trang nữ. Vì Hawkings có nền tảng về thời trang nam, việc tìm kiếm một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm thời trang nữ phù hợp hơn là điều dễ hiểu.
28 tháng của Raf Simons tại Calvin Klein
Dù được giới phê bình ca ngợi và các ngôi sao thảm đỏ ưu ái, Raf Simons không thể biến sức hút của mình thành doanh số mà Calvin Klein mong đợi. Nhà thiết kế người Bỉ gia nhập Calvin Klein vào tháng 8/2016 với hợp đồng ba năm, nhưng chỉ sau 20 tháng, ông và công ty mẹ PVH Corp đã “chia tay trong hòa bình".
Trước đó, sau bảy năm tại Jil Sander và ba năm rưỡi làm giám đốc sáng tạo thời trang nữ tại Christian Dior, Raf Simons chuyển sang Calvin Klein, đảm nhiệm toàn bộ các dòng sản phẩm nam và nữ, thay thế Francisco Costa và Italo Zucchelli. Sự xuất hiện của Simons ngay lập tức gây bão, biến buổi trình diễn Thu 2017 của Calvin Klein thành sự kiện được mong chờ nhất Tuần lễ Thời trang New York. Với hàng ghế đầu quy tụ dàn sao đình đám như Gwyneth Paltrow, Julianne Moore, Millie Bobby Brown, Sarah Jessica Parker, và Kate Bosworth, Simons đã trình diễn tầm nhìn đầy mới mẻ và táo bạo của mình về nước Mỹ. Từ những ảnh hưởng mang phong cách cao bồi như bốt mũi kim loại, đến các thiết kế áo khoác độc đáo với lớp phủ nhựa vinyl trong suốt – gợi nhớ đến vỏ ghế nhựa ở các gia đình Mỹ – Simons đã mang đến sự kết hợp giữa nét truyền thống và hiện đại, vừa táo bạo, vừa phóng khoáng.
Dưới sự dẫn dắt của Simons, thương hiệu cũng đã ra mắt Calvin Klein by Appointment, dịch vụ may đo độc quyền được thực hiện tại xưởng may của công ty ở New York. Buổi ra mắt vào tháng 4 năm 2017 đã thu hút sự chú ý của các ngôi sao lớn như Gwyneth Paltrow và Julianne Moore, những người diện trang phục từ dòng sản phẩm này tại sự kiện Costume Institute Benefit tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York. Sau đó, Rihanna cũng chọn chiếc váy lụa faille màu hồng cánh sen của Calvin Klein by Appointment tại bữa tiệc kỷ niệm một năm ra mắt Fenty Beauty vào tháng 9.
Mặc dù Simons nhận được vô vàn lời khen ngợi từ giới chuyên môn và các ngôi sao, nhưng những thành công đó lại không thể chuyển hóa thành doanh số. Vào cuối tháng 11, Emanuel Chirico, CEO của PVH Corp, từng thừa nhận rằng công ty “thất vọng vì không thu được lợi nhuận từ các khoản đầu tư” và cam kết rằng năm 2019 sẽ mang đến sản phẩm thương mại hơn. Đây là những lời thừa nhận thẳng thắn, được coi là dấu hiệu cho thấy Simons có thể sớm chia tay thương hiệu.
Ảnh: Vogue, Getty Images