L’Dictionary: [Silk Screen Printing] – Kỹ thuật in lụa
Ai là người phát minh ra kỹ thuật in lụa ?
In lụa là một dạng phổ biến trong kỹ thuật in ấn hiện nay. Cái tên “in lụa” được đặt bởi chính những người thợ lành nghề trong làng in xuất phát từ lúc những bản lưới của chiếc khuôn gỗ trong kỹ thuật in này khởi nguồn được làm từ tơ lụa. Sau này, khi bản lưới lụa có thể thay thế bởi các vật liệu khác như vải bông, vải sợi hóa học, lưới kim loại thì tên gọi được mở rộng và kỹ thuật có thêm một cái tên mới: in lưới.
Kỹ thuật in lụa có nguồn gốc từ Trung Quốc và được cộng đồng này giới thiệu đến các thương gia châu Âu vào cuối thế kỷ 18. Tuy nhiên, in lụa không phổ biến cho tới khi điều kiện kinh tế thế giới phát triển và vải lụa trở thành một thứ không còn quá khó mua.
Với sự phát triển không ngừng của nghệ thuật, vào thế kỷ 20, những nghệ sĩ Pop Art tiên phong như Andy Warhol và James Francis Gill sử dụng in lụa để hiện thực hoá vô số ý tưởng hội hoạ/minh họa. Tuy nhiên, thời gian này, in lụa gặp phải những tranh luận xoay quanh nghệ thuật và chất liệu khi nhiều người nhìn hình thức nghệ thuật này với thái độ hoài nghi vì sự phụ thuộc vào máy móc. Vô số câu hỏi được đặt ra về quan điểm điển hình của việc sáng tạo nghệ thuật và sự tiếp xúc trực tiếp giữa nghệ sĩ và phương tiện cũng như chất liệu sáng tạo.
Ngày nay, in lụa là kỹ thuật phổ biến được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới và được áp dụng trong đa dạng ngành nghề nghệ thuật.
Nguyên lý của kỹ thuật in lụa
Là kỹ thuật in xuyên, khuôn in lụa có cấu tạo là một tấm lưới lụa căng trên một khung chữ nhật làm bằng gỗ hoặc hợp kim nhôm.
Khi in, người thợ sẽ cho mực vào lòng khung, gạt qua bằng một lưỡi dao cao su. Dưới áp lực của dao gạt, mực sẽ xuyên qua các ô lưới và truyền (dính lên) bề mặt vật liệu bên dưới, tạo nên hình ảnh in. Ở một vài nơi, để duy trì độ bền của màu mực in hay tuổi thọ của một sản phẩm in lụa, người thợ còn có thể để bề mặt vải sau khi in “phơi nhiễm” dưới ánh đèn neon, quá trình này kì công và tốn kém hơn cả khi những cột đèn neon và bề mặt vải lúc này không được phép tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Đặc biệt, mỗi mảng màu trên tác phẩm phải được in bằng một khuôn lụa khác nhau, không bao giờ có hai màu mực cùng xuất hiện trên một khuôn in.
Điều gì khiến in lụa trở nên đặc biệt?
Với những chi tiết thủ công tỉ mỉ, tác phẩm in lụa cần nhiều thời gian cũng như sự đầu tư đến từ người nghệ sĩ (một vài tác phẩm in lụa có thể mất nhiều tháng để hoàn thiện). Được làm thủ công gần như hoàn toàn, những tác phẩm in lụa cũng có tính lưu trữ cao hơn và sự gắn kết với người thực hiện. Cùng với những cái tên đã qúa nổi tiếng như Andy Warhol hay James Francis Gill, những nghệ sĩ tiêu biểu khác thành thạo in lụa bao gồm Bob Dylan, Simon Claridge và Billy Schenck.