Tài năng và sáng giá, vì sao Hedi Slimane lại bỏ lỡ vị trí Giám đốc sáng tạo tại CHANEL?
Trong khi cựu giám đốc sáng tạo của Bottega Veneta - Matthieu Blazy trở thành người được chọn vào chiếc ghế dẫn đầu của CHANEL thì trước đó, đã có 3 cái tên trong danh sách ứng cử viên sáng giá cho vị trí này. Mặc dù CHANEL chưa từng chính thức tiết lộ danh tính của hai nhân vật còn lại, nhưng rất có thể một trong số họ là NTK người Pháp Hedi Slimane. Vậy, lý do gì mà NTK tài năng này lại bỏ lỡ CHANEL?
Khách quan mà nói, về kinh nghiệm và danh tiếng, Hedi Slimane đã đi trước Matthieu Blazy nhiều phần. Chỉ riêng việc Hedi đã tạo nên một cơn sốt với các thiết kế bó sát tại Dior Homme, đến mức khiến "ông hoàng thời trang" Karl Lagerfeld phải nỗ lực giảm cân để theo kịp xu hướng, đã đủ để trở thành một câu chuyện kinh điển trong làng mốt.
Thực tế, trong nhiều năm qua, giới thời trang luôn tin rằng Karl Lagerfeld đã rất ưu ái Hedi Slimane. Người ta nói rằng khi còn sống, vị thế đứng đầu của Karl Lagerfeld tại CHANEL đã cho phép ông có quyền quyết định việc chọn người kế nhiệm, và Hedi Slimane cùng với Haider Ackermann luôn là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Dù cuối cùng vị trí này lại thuộc về Virginie Viard, tuy vậy tin đồn về việc "Hedi Slimane sẽ gia nhập CHANEL" vẫn không ngừng rộ lên trong những năm qua.
Dù vậy, tại sao vẫn có nhiều tin đồn cho rằng chiếc ghế GĐST của CHANEL không bao giờ dành cho Hedi Slimane? Bởi một phần vì Matthieu còn trẻ và có nhiều triển vọng, phần khác cũng vì bản thân Hedi Slimane cũng có những vấn đề riêng. Trước hết, nếu nhìn lại hành trình của Hedi, những thương hiệu mà ông từng điều hành, cho dù là Dior Homme, Saint Laurent hay Celine, doanh số luôn tăng trưởng vượt bậc trong thời gian ông nắm quyền. Tuy nhiên, đến cuối cùng, ông đều chia tay với các công ty này trong không khí căng thẳng, thậm chí là đối đầu, mà hầu hết đều liên quan đến những vấn đề về tài chính.
Trong quãng thời gian đương nhiệm tại Dior Homme, Hedi Slimane đã có những bất đồng với tập đoàn LVMH vì muốn nhận được phần chia lợi nhuận cao hơn và có quyền quyết định lớn hơn. Cuối cùng, dù Dior Homme đang ở đỉnh cao danh vọng, hợp đồng của ông cũng không được gia hạn và bị thay thế bởi Kris Van Assche. Sau đó, Hedi Slimane đã dành vài năm sống tại Los Angeles để tập trung vào nhiếp ảnh. Đến giai đoạn làm việc tại Saint Laurent, ông lại tiếp tục có những tranh chấp pháp lý với công ty mẹ Kering và đã được bồi thường 13 triệu đô la.
Sau khi được bổ nhiệm tại Celine, Hedi thậm chí còn quy định tất cả ảnh quảng cáo của thương hiệu đều phải do chính ông trực tiếp chụp, và ông định giá mỗi bức ảnh lên đến 50.000 Euro. Có thể thấy, với tư cách là một nhà thiết kế hàng đầu thế giới, Hedi Slimane hoàn toàn xứng đáng với mức lương cao nhất, tuy nhiên, "cái giá quá đắt" của ông lại khiến những doanh nhân giàu có như Bernard Arnault hay François Pinault cũng khó lòng chấp nhận. Vì vậy, có thể suy luận rằng, ngay cả khi CHANEL thực sự có ý định mời ông, thì mức lương quá cao chắc chắn là một rào cản lớn.
Thêm vào đó, những thiên tài thường rất khó kiểm soát, và Hedi Slimane là một ví dụ điển hình. Với góc nhìn và gu thẩm mỹ ấn tượng của mình, là kết hợp giữa rock hay tư tưởng đề cao thân hình cực gầy đến độc tài. Bất kể lịch sử của thương hiệu có lâu đời đến đâu, hay nhà thiết kế trước đó đã làm việc xuất sắc như thế nào, ông đều có thể thay đổi toàn bộ hình ảnh của thương hiệu chỉ trong một đêm theo ý muốn của mình. Năm 2012, khi trở lại Yves Saint Laurent, điều đầu tiên ông làm là đổi tên thương hiệu và logo thành Saint Laurent. Khi nhà phê bình thời trang nổi tiếng Cathy Horyn chỉ trích điều này, ông đã ngay lập tức cấm bà tham dự các buổi trình diễn thời trang của Saint Laurent, gây ra một làn sóng tranh cãi lớn.
Đến năm 2018, khi đứng đầu Céline, ông đã đổi tên thương hiệu từ "Céline" thành "Celine" không dấu, và thậm chí xóa bỏ hoàn toàn định hướng "Ugly Chic" mà Phoebe Philo đã xây dựng trong nhiều năm cho thương hiệu. Điều này khiến các tín đồ hâm mộ thương hiệu lâu năm vô cùng thất vọng, dẫu vậy Hedi Slimane vẫn trung thành với cách làm việc của mình.
Rõ ràng, tính tự do và làm việc độc lập của Hedi là một đặc điểm chung của nhiều thiên tài, nhưng không phải ai cũng có thể chấp nhận cá tính mạnh đó, nhất là khi cá tính đó được thể hiện nổi bật trong bối cảnh xã hội hiện đại. Đặc biệt là đối với một thương hiệu mang đậm dấu ấn lịch sử và những yếu tố cổ điển như CHANEL, thì việc để Hedi tự do thay đổi logo, tên gọi, thay DNA cơ bản của thương hiệu ngay khi vừa đến, hoặc thậm chí là mở rộng sang dòng sản phẩm nam (như ông đã từng làm với Celine), có thể là một cuộc cách mạng quá lớn mà CHANEL khó có thể chấp nhận được.
Rõ ràng, đối với một thương hiệu có truyền thống lâu đời như CHANEL, chắc chắn sẽ có những trở ngại và cũng không dễ dàng nhượng bộ. Vì vậy, khi cả Matthieu Blazy và Hedi Slimane đều có vị thế vững chắc trong thị trường xa xỉ, và tài năng của cả hai đều được công nhận, thì việc lựa chọn một nhà thiết kế trẻ tuổi, có mức chi trả hợp lý và dễ tiếp cận hơn như Matthieu Blazy là một quyết định hoàn toàn hợp lý. Ít nhất, họ sẽ không phải lo lắng về việc bị kiện cáo sau này.
Words: JC