Thị trường đấu giá haute couture hoạt động như thế nào?
Trong giới thượng lưu toàn cầu, việc chiến thắng trong một cuộc đấu giá để sở hữu một tác phẩm độc bản xứng tầm bảo tàng đã trở thành một môn thể thao xa xỉ, nơi danh tiếng và đẳng cấp được đặt cược.
Haute couture không chỉ là thời trang - đó là nghệ thuật, là sự độc quyền và là đỉnh cao của tay nghề thủ công. Mỗi thiết kế được tạo ra theo yêu cầu riêng của từng khách hàng, sử dụng những chất liệu cao cấp nhất và được chế tác thủ công bởi đội ngũ nghệ nhân lành nghề. Không có gì ngạc nhiên khi thị trường thời trang cao cấp ngày càng màu mỡ. Các cuộc đấu giá đồ vintage haute couture liên tục lập kỷ lục, trong khi những nhà thiết kế như Jean Paul Gaultier quyết định đóng cửa dòng may sẵn để tập trung hoàn toàn vào thời trang cao cấp.
Tháng 9/2023, Sotheby’s London gây chấn động với phiên đấu giá Fashion Icons đầu tiên, nơi chiếc áo len cừu đen huyền thoại của Công nương Diana, do Warm & Wonderful thiết kế, được bán với giá kỷ lục 1,1 triệu USD. Sau thành công vang dội đó, phiên đấu giá Fashion Icons lần thứ hai diễn ra vào năm 2024, với những thiết kế haute couture của Christian Dior và Elsa Schiaparelli. Trước đó, Sotheby’s hợp tác với Christie’s Paris tổ chức phiên đấu giá toàn cầu The V.W.S. Collection – From Beijing to Versailles, đưa 115 tác phẩm haute couture ra thị trường. Đến tháng 6/2024, Christie’s tiếp tục làm nên lịch sử khi bán đấu giá bộ sưu tập tư nhân của nhà thiết kế Vivienne Westwood, thu về 754.000 bảng Anh.
Những món đồ haute couture được trân trọng vì vẻ đẹp mà còn vì tiềm năng gia tăng giá trị theo thời gian. Cuộc đấu giá haute couture đầu tiên của Sotheby’s Paris đã thu về hơn 950.000 euro - gấp ba lần so với dự đoán ban đầu. Những thiết kế vintage từ Balmain, Christian Dior, Yohji Yamamoto và John Galliano thu hút sự cạnh tranh khốc liệt, với giá chốt cuối cùng vượt xa ước tính ban đầu. Một chiếc váy Balenciaga màu hồng phủ đầy lông đà điểu được bán với giá 56.250 euro, trong khi một mẫu dạ hội Pierre Cardin màu xanh lục đạt 41.250 euro, gấp hơn 10 lần mức giá dự kiến.
Nhưng con số ấn tượng nhất có lẽ thuộc về một phiên đấu giá xoay quanh ba đôi giày Alexander McQueen độc bản, được chế tác công phu tại Ý bởi 30 nghệ nhân, sử dụng nguyên liệu từ ba nhà cung cấp khác nhau và trải qua quy trình sản xuất tại ba nhà máy riêng biệt. Được Christie’s New York tái tạo và bán đấu giá để làm từ thiện, những tuyệt tác này ban đầu được định giá từ 10.000 đến 15.000 euro mỗi đôi - nhưng cuối cùng đã thu về 295.000 euro, một con số không tưởng cho một đôi giày.
Không chỉ sự khan hiếm, một yếu tố có thể làm thay đổi giá trị của haute couture là sự thay đổi trong ban lãnh đạo sáng tạo của một nhà mốt. Sau khi Alber Elbaz rời Lanvin và Raf Simons rời Christian Dior vào năm 2015, giá trị các thiết kế từ hai thương hiệu này lần lượt tăng 29% và 25% chỉ trong vài tháng. Nếu một nhà thiết kế có tầm ảnh hưởng sâu sắc với thương hiệu của họ, những tác phẩm do họ tạo ra sẽ càng trở nên quý giá. Đặc biệt, khi một nhà thiết kế qua đời, di sản của họ càng được săn đón. Trong những năm gần đây, sự ra đi của những huyền thoại như Issey Miyake, Karl Lagerfeld và Hubert de Givenchy đã khiến các tổ chức như Kerry Taylor Auctions và Christie’s trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, mang đến cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm đỉnh cao cho công chúng cũng như các nhà đầu tư.
Kate Osborn từ Kerry Taylor Auctions - một trong những chuyên gia hàng đầu về thời trang cổ điển và là nhà đấu giá vintage uy tín nhất Vương quốc Anh - khuyên rằng trước khi đầu tư vào haute couture, hãy nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Những tác phẩm đáng giá nhất thường đến từ những nhà thiết kế bậc thầy ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của họ. Chẳng hạn, haute couture của Christian Dior Paris từ những năm 1950, Balenciaga từ thập niên 1960 hay Yves Saint Laurent vào giai đoạn giữa những năm 1960 và 1970.
Khả năng sinh lời từ haute couture có thể rất đáng kể - tất nhiên, nếu người sở hữu sẵn sàng chia tay những tác phẩm quý giá của họ. Dòng chảy thời trang luôn thay đổi, nhưng haute couture cổ điển lại có sức hút bền vững. Trong bối cảnh giá haute couture liên tục tăng nhanh hơn mức lạm phát, việc xem haute couture như một kênh đầu tư tài chính mở ra những cơ hội sinh lời đầy hấp dẫn.