Triển lãm "Sơn - Giấy - Đất": Tìm kiếm nguồn gốc ký ức và tâm hồn nghệ thuật Việt Nam
Tiếp nối triển lãm cá nhân vang dội Đất tại Hà Nội, những tác phẩm trong triển lãm lần này tập hợp nhiều thập kỷ cống hiến thầm lặng của nghệ sĩ Lý Trực Sơn - sơn mài, giấy và đất.
Triển lãm này đánh dấu sự trở lại không chỉ của một nghệ sĩ với khán giả mà còn của vật liệu với bản chất nguyên thủy nhất của chúng. Các tác phẩm trên giấy, được tạo ra vào những năm 1990, các tác phẩm sơn mài từ năm 2014 và loạt tác phẩm đất, hoàn thành vào những năm 2020 đến nay, tạo thành một cuộc đối thoại nhiều lớp theo thời gian. Sơn – Giấy – Đất vừa là sự thiền định vừa là một minh chứng, một cuộc khám phá về cách vật liệu phát triển qua bàn tay và góc nhìn của nghệ sĩ. Biến đổi theo thời gian và sự tiếp xúc, những tác phẩm này là nhân chứng cho một cuộc tìm kiếm bất tận về nguồn gốc của hình thức, ký ức và tâm hồn của nghệ thuật Việt Nam.
Sinh ra tại Huế, được định hình bởi Đồng bằng sông Hồng và được tôi luyện qua nhiều năm ở nước ngoài, Lý Trực Sơn di chuyển giữa các thế giới. Nghệ thuật của ông không phải là một thứ diễn cảnh mầu mè mà là sự tĩnh lặng - nơi sơn mài lưu giữ hơi thở của thời gian, giấy ghi nhớ sức nặng của mực và đất nâng niu dấu ấn của con người. Như nhà điêu khắc Đào Châu Hải đã nhận xét: “Khi xem những tác phẩm của anh Sơn, thông qua bề mặt xù xì, thô ráp tôi đọc được cái duyên dáng, vẻ đẹp lặng lẽ, rất tinh tế mà lại không phô trương - đấy chính là 1 trong những yếu tố rất quan trọng của thẩm mỹ người Việt".
Con đường nghệ thuật của Lý Trực Sơn là con đường hướng nội và kiên cường. Được đào tạo tại Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), nơi ông sau này giảng dạy, ông được định hình bởi hai dòng chảy - một là sự nghiêm ngặt có kỷ luật của truyền thống hàn lâm; hai là sự theo đuổi không ngừng nghỉ để khám phá tính hiện đại, lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm và Bùi Xuân Phái. Năm 1989, một suất học bổng của École nationale supérieure des Beaux-Arts ở Paris đã làm sáng tỏ sự hiểu biết của ông về nghệ thuật - không phải là một phương pháp, mà là một câu hỏi: Tại sao chúng ta sáng tạo? Thay vì cách một thứ gì đó được tạo ra, ông tìm cách hiểu tại sao - một sự thay đổi sẽ định nghĩa lại hoạt động của ông. Sau gần một thập kỷ ở châu Âu, ông trở về Việt Nam vào năm 1998, tiếp tục cuộc đối thoại không lời của mình với quá khứ và hiện tại.