Điêu khắc gia Đỗ Hà Hoài: Lan tỏa nguồn năng lượng "Dị ứng"
Cảm hứng nghệ thuật có thể đến từ bất cứ đâu. Đối với Đỗ Hà Hoài, đó là những nốt đỏ li ti phiền phức – cơ chế phòng vệ của cơ thể trước các tác nhân gây dị ứng.
Đỗ Hà Hoài là một chuyên gia tái hiện dáng người, đặc biệt là dáng người khi đang gãi ngứa: nằm, lăn lộn, trườn bò… Đứng trước một bức tượng trong chuỗi tác phẩm “Dị ứng” của anh, ta không thể không co rúm người, nổi da gà khi nhìn những vết lở loét chồng chất. Từ những hình phác thảo trên giấy, cơn dị-ứng-bánh-mì của anh được tái hiện trong chất liệu foam nở màu sắc, đến với không gian triển lãm và cuối cùng, “rạn nở” cùng cảnh quan.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi anh Hà Hoài ăn bánh mì?
Trên cơ thể sẽ nổi những mảng ngứa, những nốt mẩn đỏ. Lúc bé tôi chỉ được ăn bánh mì, nên tưởng chỉ dị ứng với bánh mì thôi. Hóa ra bánh quy, hamburger cũng là dị nguyên.
Anh còn sử dụng khái niệm “dị ứng tinh thần” khá nhiều. Loại dị ứng này sẽ có biểu hiện như thế nào?
Ví dụ, lúc lướt mạng xã hội, đọc bình luận của mọi người về một chuyện bất kỳ, đôi khi sẽ thấy ai đó cảm thán: Dị ứng với cái này quá!
Đối với tôi, dị ứng tinh thần là khi cảm xúc của con người bị kích động bởi những luồng thông tin, cả tiêu cực lẫn tích cực. Nó gây cảm giác khó chịu, có thể bị “ngứa” về ngôn ngữ.
Theo lẽ thường tình, ta sẽ né tránh những gì làm ta không thoải mái. Điều gì khiến anh biến cảm giác bức bối đó thành tác phẩm nghệ thuật?
Tôi không thể chạy khỏi tình trạng dị ứng của mình, nên quyết định sử dụng nó.
Để hoạt động nghệ thuật, bạn cần một thứ gì đó – một chủ đề, ý tưởng, câu chuyện – khác biệt, gần gũi và chân thực. Đối với tôi, đó chính là cơn dị ứng mà mình đã tiếp xúc hàng chục năm qua. Đến nay, tôi chấp nhận dị ứng như là một phần của cơ thể, xem nó là một lợi thế trong sáng tác, và là một niềm vui.
Có vẻ anh cũng thành công trong việc sử dụng đất sét và foam nở như một đặc trưng riêng cho phong cách. Anh đã lựa chọn và xử lý những chất liệu này như thế nào?
Đặc biệt với những tác phẩm “Dị ứng,” tôi tìm về những chất liệu cho phép sự tự do trên bề mặt, lan tỏa một cách ngẫu nhiên và tự thân để có thể truyền tải cảm giác ngứa ngáy một cách tốt nhất. Chất liệu foam làm được điều đó – Nó nở lên trên một hình dáng cụ thể, và “lớp ngứa” đó rất tự nhiên, đang nổi lên to dần qua các cuộc triển lãm. Màu sắc và tình trạng của lớp foam cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Khi được đặt trong môi trường lạnh, foam có thể sẽ không hề hấn gì, nhưng khi để trong nhiệt độ phòng thì sẽ bị ố vàng. Theo tôi đó là một kiểu dị ứng với không gian, hoặc dị ứng với tương lai chẳng hạn.
Chất liệu tôi lựa chọn sẽ biến đổi theo thời gian. Foam còn đặc biệt dễ vỡ nên cũng có cảm giác như phản ứng với dị nguyên – và tôi muốn mọi thứ cứ như vậy, dù có vô tình tác động, mọi thứ vẫn sẽ thay đổi. Foam còn có thể “nở” trở lại. Bức tượng có thể vừa tồn tại mãi mãi vừa luôn luôn đổi khác tùy vào không gian hoặc mối bận tâm của tôi khi đó.
Từ “Bánh mì và hoa hồng” tham gia triển lãm NỞ by L’OFFICIEL Vietnam đến “Dị ứng,” Đỗ Hà Hoài đã thay đổi như thế nào?
“Bánh mì và hoa hồng” tham gia triển lãm NỞ nhờ sự tương đồng trong ý tưởng. Đối với tôi, bánh mì mọc mầm như một quá trình nuôi dưỡng ý chí, nuôi dưỡng đam mê và chờ đợi công sức của mình “nở” ra quả ngọt. Bánh mì là giá trị vật chất, còn hoa hồng thuộc về tinh thần. Tôi cần cân bằng cả hai để duy trì và đeo đuổi đam mê. Mặc dù sau nhiều năm, tôi nhận ra không có gì là 50:50 cả. (cười)
Khoảng thời gian đại dịch cũng giúp ổ bánh mì mọc mầm để khởi đầu cho một hành trình mới. Sau cách ly, “Dị ứng” cũng bắt đầu nở màu, nở khối, nở hoa ở khắp mọi nơi. Năm 2020, “Dị ứng” tham gia triển lãm ở Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA tại Hà Nội, rồi đem về trưng bày tại Toong, rồi mở rộng sang những chi nhánh khác nhau của Toong. Có cảm giác như dị ứng lây lan (cười). Đến năm 2022, với “Cảnh quan rạn nở,” không gian Hoa Tay như một lớp dị ứng tập trung vậy.
Tôi muốn tiếp tục hành trình này. Bắt đầu từ “Bánh mì và hoa hồng,” tôi muốn đem “Dị ứng” sang không gian mở ngoài trời. Tác phẩm ở trong xưởng, trong khu vực triển lãm đến khi để giữa rừng, giữa biển lại khiến mình suy nghĩ khác về chất liệu và màu sắc. Tôi cũng chưa rõ những đổi thay tiếp theo là gì, chỉ là muốn thay đổi góc nhìn “Dị ứng.”
Anh sẽ nói gì về mục tiêu nghệ thuật của Đỗ Hà Hoài?
Tôi đang tìm kiếm một hành trình, muốn thỏa niềm đam mê nghệ thuật thông qua ngôn ngữ tạo hình điêu khắc, muốn thử nghiệm nhiều chất liệu. Sự cân bằng giữa đời sống và nghệ thuật là câu hỏi tôi muốn giải quyết, nhưng điều này cần suy nghĩ từ từ mỗi ngày. Tôi nghĩ đó cũng là một cách tạo nghệ thuật trong cách sống.
Cuối cùng, theo anh, dị ứng có chữa được không?
Không thể. Tôi cũng không đi tìm cách chữa nữa. Tôi cảm thấy vui và may mắn khi có thể sử dụng biến cố của cơ thể làm thành tác phẩm. Như vậy chân thực hơn.
Cảm ơn anh Đỗ Hà Hoài vì những chia sẻ chân thành và thú vị. Hy vọng một ngày tôi có thể trực tiếp chứng kiến "Dị ứng" trong không gian mở như anh đang ấp ủ!
Ảnh: RABHUU Studio
Ảnh tác phẩm: NVCC