"Cậu bé Thỏ" Nguyễn Ngọc Vũ: Quan sát và đặt câu hỏi để không lặp lại chính mình
Lấy việc đặt câu hỏi liên tục như một quá trình tìm hiểu cuộc sống, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Vũ (Cậu bé Thỏ) nhận ra chính điều này song song việc quan sát sẽ giúp bản thân không thể lặp lại chính mình. Một cuộc phỏng vấn thân mật giữa L’Officiel và Nguyễn Ngọc Vũ sẽ giúp độc giả hiểu hơn về tư duy sáng tác đằng sau những dự án của anh.
Sau triển lãm cá nhân “TUỒNG – Tấm Gương Tâm Khảm” như một cơ hội để người xem soi xét chính mình, Nguyễn Ngọc Vũ có thể chia sẻ về những thú vị và mới mẻ trong dự án mà anh đang thực hiện?
So với triển lãm “Tuồng -Tấm gương tâm khảm” cách đây 2 năm về trước, thì triển lãm tới đây của mình sẽ mang tính cá nhân nhiều hơn. Vũ khai thác sâu những “hidden moment from the east”, cũng có thể gọi là những ẩn ức chứa đựng nhiều thú vị ở châu Á. Cụ thể hơn thì đó là những điều rất hiển nhiên nhưng chưa bao giờ được chấp nhận hay được nhìn nhận một cách thực sự. Là những định kiến truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, cũng có khi là những phán xét chỉ mang tính thời điểm hay hoàn cảnh.
Thông qua những vấn đề này, Vũ tự đặt ra từng câu hỏi, và mỗi câu hỏi sẽ được trả lời bằng những câu hỏi mới, mở rộng sự nhận thức, góc nhìn mang tính đa chiều và khách quan. Mình bắt đầu series này từ năm 2019 và đây có lẽ sẽ là một “chương dài” trong quá trình hoạt động nghệ thuật của bản thân.
Như anh chia sẻ, quá trình đặt câu hỏi liên tục sẽ định hướng và mở đường cho bộ tranh, nhưng có khi nào sẽ khiến mình quay trở lại điểm ban đầu?
Cũng có lúc sẽ như vậy, một câu hỏi tiếp nữa lại dẫn mình quay về điểm bắt đầu, nhưng phần lớn sẽ khơi dậy những điểm sáng. Và một điều quan trọng, khi đặt câu hỏi, không phải để có ngay đáp án, mà chúng đôi khi sẽ ấp ủ trong mình 2 năm, 3 năm… Điều này khiến Vũ liên tưởng đến bộ phim Inception. Vũ khá yêu thích việc đạo diễn Christopher Nolan đặt ra vấn đề rằng khi bạn đưa vào đầu ai đó một ý tưởng, thì ý tưởng đó sẽ nằm mãi ở đấy. Cũng như vậy, một câu hỏi sẽ không biến mất, cho đến khi câu trả lời xuất hiện.
Vì thế, khi làm tác phẩm, điển hình như dự án “Tuồng – Tấm gương tâm khảm” vừa qua, Vũ không chú trọng statement (tuyên bố của nghệ sĩ) quá nhiều, mà chỉ đơn giản gợi ra những góc nhìn. Và người xem sẽ tự lần tìm cho mình những liên tưởng riêng, theo nhận thức hiện thời của họ.
Tuy nhiên, trong series tới, có một điểm khác là Vũ sẽ định hướng mọi thứ một cách rõ ràng hơn, từ nội dung đến cách sắp đặt tác phẩm. Vũ cũng đưa ra những gợi ý, và nếu người xem đủ quan tâm, họ sẽ dấy lên những ý tưởng thú vị nào đó. Như vậy là đủ rồi nhỉ?
Khi xem những hình ảnh trong series mới của Cậu bé Thỏ, song song liên tưởng về những tác phẩm cũ trong dự án “Tuồng – Tấm gương tâm khảm” cũng như nhiều dự án mà anh hợp tác với các thương hiệu, tôi nhận thấy về thẩm mỹ thị giác lẫn chất liệu được anh thay đổi liên tục, dù đôi khi những vấn đề được đặt câu hỏi cũng thật thân thuộc và gần gũi.
Vũ nghĩ điều này liên quan trực tiếp đến quan điểm của người thực hành. Như bạn thấy, về mặt hình ảnh thị giác, mọi thứ biểu lộ trước bạn những gì truyền thống đan xen với hiện đại, về những thứ đang là xu hướng hay mang tính thời điểm… Tất cả đều là những yếu tố mà mình có thể nhìn thấy hàng ngày nhưng kết hợp bao nhiêu % của cái này, bao nhiêu % cái kia, lại mang tính cá nhân nhiều hơn. Như trong một lớp học may, có người sẽ kết hợp đa chất liệu cho một chiếc áo, nhưng có người lại thiên về một chiếc áo mang hơi hướng truyền thống. Nó thuộc về cá tính, cảm tính, và sự nhìn nhận bên trong lẫn về xã hội của người đó. Tất cả nằm ở nhận thức của họ, có lẽ “người nào thì tranh nấy” là vậy.
Làm việc với các nhãn hàng trong khi vẫn có những dự án sáng tạo cá nhân, Cậu Bé Thỏ có sự phân chia tư tưởng rõ cho hai thể loại này?
Thời điểm trước, Vũ cũng có sự để ý giữa công việc sáng tác (mang tính cá nhân nhiều hơn) và làm những sản phẩm ứng dụng thực tế (mang tính thương mại). Nhưng bây giờ, dù là công việc nào thì vẫn là chính mình. Quan trọng là mình giải bài toán ấy như thế nào.
Vũ nghĩ bản thân cứ để tâm làm những công việc của mình, thay vì phải đi định nghĩa hay dán nhãn chúng. Bởi chúng ta đang sống trong môi trường bị dán nhãn quá nhiều, giữa nghệ thuật đương đại hay truyền thống, nghệ sĩ chính quy hay nghệ sĩ tay ngang… Cứ mải chạy theo những tư tưởng phân biệt như vậy, tốn thời gian nhỉ!
Nhiều nghệ sĩ cho rằng để tự do và thoải mái trong sáng tạo thì cần tự do trong tư tưởng. Quan điểm của Cậu bé Thỏ ra sao về “đề bài” này?
Vũ nghĩ mình tự do khi mình là bản thân mình nhất, nghĩa là mình sống thực với chính mình, với những cảm xúc và tư duy bên trong. Hôm nay khi ra đường, bạn vui và bạn biết điều đó, và khi bạn suy tư, bạn cũng là người quan sát thấy có một yếu tố xúc cảm như vậy dấy lên từ bên trong. Chính quan sát này sẽ giúp mình nhìn ra nguyên nhân tiềm ẩn đằng sau những “cơn sóng” đó. Khi dành nhiều thời gian riêng cho bản thân, mình thoải mái với những cảm xúc xuất hiện, và cũng chính vì vậy mà mình chấp nhận hay đón nhận chính mình nhiều hơn.
Mình nhận ra khi dành thời gian cho bản thân, nó giúp mình có cái nhìn đa chiều. Để lúc vẽ xuống vấn đề đó, nó sẽ không nghiêng về cực đoan “ai đúng” hay “ai sai” mà chỉ đơn giản là người nhìn ra những điều đang xảy ra đó.
Anh từng chia sẻ mình không đặt nặng hai từ “sáng tạo”?
Nói không đặt nặng không có nghĩa là không nghiêm túc với nó, mà bản thân thích hai từ “góc nhìn” hơn. Sáng tạo là giải quyết vấn đề, là những thứ mà mình nhận thức, mình quan sát, mình cảm, mình thấy, và mình thể hiện cho chính mình và công chúng thấy. Đôi khi, quan điểm của mình có thể đơn giản, có thể phức tạp, điên đảo hay tĩnh lặng… nhưng tất cả vẫn là những thứ đang diễn ra trong cuộc sống của mình. Và mình chơi đùa với tất cả. Vũ nghĩ sáng tạo cũng như kiểu chúng ta sinh hoạt hàng ngày, cũng là một điều cơ bản, và ý niệm đó chưa bao giờ được đẩy lên một tầng cao siêu.
Như chia sẻ, Cậu bé Thỏ luôn dành thời gian cho bản thân khá nhiều, và việc quan sát chắc chắn giúp anh không bị lặp lại chính mình?
Sau triển lãm “Tuồng – Tấm gương tâm khảm” vào năm 2020, mình chia sẻ với một số người bạn rằng có thể nghỉ khoảng 1 hay 2 năm. Rốt cuộc mình cũng dành khoảng 1 năm chỉ để quan sát và ghi chú những gì đã thấy. Vũ muốn cách tạo hình hay cách vẽ cũng như việc thử nghiệm nhiều chất liệu tới sẽ mới mẻ hơn, vì bản thân cũng không muốn lặp lại chính mình.
Anh có để tâm đến việc phải ra được kết quả mong muốn?
Vũ thấy sự hình thành luôn xuất hiện song song với lúc mình đang làm. Để tâm đến những gì mình làm là kết quả tốt đẹp rồi.
Việc hợp tác với nhiều nhãn hàng, và Cậu bé Thỏ cũng khai thác khá nhiều những câu chuyện dân gian, lịch sử… Anh có thể chia sẻ làm cách nào để mang đến một dự án chỉn chu về mặt thông tin trong bối cảnh nhiều nghệ sĩ bị lên án kể những câu chuyện sai sự thật?
Ngày nay internet khiến không ít người “chạy quá nhanh” và có lẽ khủng hoảng cũng đến từ đây. Thông tin trên internet đa dạng, cho mình nhiều kết quả và nhiều nguồn tư liệu, và nếu không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng ngay từ đầu thì mình dễ “bị vội vàng”. Trong các dự án hợp tác với các nhãn hàng, việc nghiên cứu nội dung thuộc về mình, thi thoảng cũng có những trục trặc, đó là bản chất công việc. Nhưng không sao, mọi chuyện sẽ ổn.