Art & Design

Nguyễn Minh Ngọc – "Nhỏ To Việt Nam" và những mong muốn cống hiến của người làm sáng tạo

Cùng L’OFFICIEL Việt Nam gặp gỡ Nguyễn Minh Ngọc – chủ nhân của dự án “Nhỏ To Việt Nam” - loạt emoji mô phỏng đặc trưng trang phục của 54 dân tộc anh em, đồng thời lắng nghe chia sẻ về hai khái niệm tưởng gần mà xa: người nghệ sĩ và nhà thiết kế.
plot map diagram
Ngoc_Chan dung.jpg

108 biểu tượng cảm xúc emoji với tên gọi chung "Nhỏ To Việt Nam" đã được Minh Ngọc mô phỏng một cách rất tỉ mỉ và chi tiết. Trong thời đại công nghệ nơi mạng xã hội là công cụ quyền lực nhất để kể những câu chuyện văn hoá và gợi mở những thông điệp về con người, ý tưởng sử dụng emoji để truyền tải trở nên rất hợp lí. Được đăng tải trên nền tảng Instagram (@nhoto.vietnam) vào đầu tháng 8 năm 2020, những chiếc emoji của đủ 54 dân tộc thu hút sự chú ý lớn đến từ cộng đồng mạng, làm chính tác giả cũng phải bất ngờ khi trước đó, bản thân Ngọc đã chia sẻ thật lòng rằng: “Ngọc không nghĩ xung quanh mình lại có nhiều người quan tâm tới các dân tộc Việt Nam đến vậy”.

IMG_2534.jpg

Nhiều đặc trưng vùng miền đa dạng trong văn hoá nội địa đã được thể hiện một cách chi tiết từ những chiếc khăn đội đầu, những tấm vải thổ cẩm, những chiếc vòng bạc và nón lá thậm chí cả tẩu thuốc gỗ hay cách phụ nữ búi tóc, tất cả đều được thể hiện song song cùng hệ thống nhân vật đẹp mắt. Nhận được rất nhiều phản ứng tích cực, dự án thành công khơi dậy những câu chuyện xoay quanh chủ đề văn hoá dân tộc cũng như thể hiện một thực tế rằng truyền thông ngày nay vẫn hướng sự quan tâm đặc biệt tới các câu chuyện văn hoá cũng như sẵn sàng tạo dựng không gian phát triển dành cho người làm sáng tạo chung. Cuộc trò chuyện về bản thân Minh Ngọc và những dự định dành cho “Nhỏ To Việt Nam” cũng đã phần nào mở ra góc nhìn của một người đứng sau tác phẩm và quan điểm rõ ràng hướng tới những định nghĩa của công việc làm nghệ thuật ngày nay.

Lần đầu tiên đến với L’OFFICIEL, Minh Ngọc chia sẻ thật lòng rằng dự án “Nhỏ To Việt Nam” được thực hiện và hoàn thành trong quãng thời gian “nghỉ tránh dịch” đầu tiên kéo dài suốt mùa hè 2020.

1 / 3

Quá trình tìm kiếm tư liệu cho dự án của Ngọc đã diễn ra như thế nào, bạn có gặp bất kì khó khăn nào trong cả quá trình đó hay không?

"Nhỏ to Việt Nam” được mình bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2020. Như mọi người đều biết thì đây là khoảng thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, mình vừa tốt nghiệp đại học ngành thiết kế đồ hoạ ở Singapore và cũng rất rảnh rỗi. Khoảng nghỉ trở thành không gian để mình nhìn lại bản thân, mở lại những dự án cũng như những dự định cá nhân để tự nghiên cứu, suy nghĩ và chọn lọc. Cuối cùng đi đến quyết định chọn thể hiện 54 dân tộc anh em qua emoji – công cụ thể hiện cảm xúc và giao tiếp cơ bản trong thời đại số hoá. Dự án “Nhỏ To Việt Nam” như vậy chỉ được thực hiện bởi một mình mình trong vòng 4 tháng cách li tự nguyện, từ tất cả các công đoạn lên ý tưởng, tìm tư liệu, vẽ và cuối cùng là đưa sản phẩm lên mạng xã hội. Khó khăn lớn nhất có lẽ là nguồn tư liệu quá rộng. Với sự phát triển của internet, không khó để mình tìm hiểu về đặc trưng 54 dân tộc anh em nhưng cũng vì vậy, nguồn kiến thức không đảm bảo và thậm chí đôi khi không chất lượng.

1 / 4

54 dân tộc sẽ tương đương với 54 bộ trang phục truyền thống, vậy làm thế nào Ngọc có thể tìm được nguồn hình ảnh hay thông tin tham khảo chính xác với số lượng lớn như vậy?

Như mình đã đề cập, nguồn thông tin chúng ta được internet cung cấp là không giới hạn và đôi khi chúng rất dàn trải. Mình khắc phục điều này bằng việc tìm kiếm ở những trang mạng uy tín. Chính bản thân mình trước khi thực hiện dự án cũng không hề biết về đặc trưng trang phục của từng dân tộc, mình không có đủ kiến thức để biết thông tin đến từ đâu là đúng và ngược lại. Cổng thông tin chính phủ và các đầu sách uy tín lúc đó chắc chắn đã giúp ích rất nhiều. Đất nước ta có 54 dân tộc thì 53 trong số đó là dân tộc thiểu số và họ chỉ chiếm 1-2% dân số cả nước. Quá trình tìm kiếm các đặc trưng nổi bật nhất của họ cũng bị chính sự thiểu số này hạn chế rất nhiều.

Vậy Ngọc có suy nghĩ như thế nào về vai trò của trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam?

Theo mình, trang phục phản ánh rất nhiều thứ, và nhất là đối với 1 dân tộc thiểu số. Đầu tiên, ngoài việc thể hiện bản sắc thì trang phục phản ảnh tình trạng kinh tế. Ví dụ, Thái là một dân tộc cũng được coi là lớn hơn và có sức ảnh hưởng, như vậy, khi một dân tộc nhỏ sống cạnh người Thái, họ sẽ không tránh được bị người Thái ảnh hưởng phần nào, chuyên môn kinh tế không tốt, không có các công nghệ dệt may dẫn đến sự thật rằng những người dân tộc nhỏ sẽ phải mua vải từ những người Thái “giàu có” hơn. Đồng thời, với những mối lo kiếm sống, họ không có thời gian để dệt may, thay vì dành thời gian làm một bộ trang phục đặc trưng để quảng bá bản sắc cá nhân, họ sẽ chọn tập trung cho việc kiếm sống trước nhất. Cũng bởi vậy, đôi khi trang phục truyền thống của các dân tộc trông không quá khác biệt. Tuy nhiên, cũng rất thú vị khi một vài dân tộc lại có nhiều bộ trang phục đặc trưng và mỗi bộ đồ lại dành cho một dịp lễ khác nhau trong năm. Trang phục là một chuyện, cách mặc trang phục sao cho đúng cũng lấy của mình rất nhiều thời gian tìm hiểu và đôi khi, sự đa đạng khiến một người không thể bao quát được hết, đối với emoji dân tộc Chăm, mình đã nhận về một số ý kiến cho rằng chiếc khăn của người Chăm nên che hết toàn bộ phần tóc.

1 / 2

“Nhỏ To Việt Nam” đã mang lại cho Ngọc những lợi thế gì khi từ Singapore trở về Việt Nam?

Là một dự án cá nhân mình thực hiện trong khoảng nghỉ giữa lễ tốt nghiệp và công cuộc bắt tay vào tìm kiếm việc làm, “Nhỏ To Việt Nam” thực sự là một dự án “liều ăn nhiều”, mình làm bất kì điều gì mình thích. Bản thân Ngọc đã không ngờ dự án lại được quan tâm đến vậy. Đã có một vài toà soạn liên hệ tới mình và ngỏ ý muốn sử dụng những emoji 54 dân tộc để in sách cho trẻ em. Hướng tới đối tượng nhỏ tuổi và thích xem tranh ảnh đồng thời giáo dục về những nét văn hoá nội địa vẫn còn xa lạ – đây chắc chắn là một điều mình rất hứng thú. Bên cạnh đó, “Nhỏ To Việt Nam” cho mình vô số giá trị về mặt tinh thần. Dự án thậm chí đã lớn hơn cái tôi của chính bản thân mình khi mang lại được giá trị cho xã hội chung. Mình cảm thấy niềm vui khi được làm những dự án xã hội và sự thoả mãn khi những thứ mình đang làm ra thực sự có ích. Mình nghĩ rằng “Nhỏ To Việt Nam” đã phần nào kéo chúng ta – những người Kinh với điều kiện đầy đủ tới với 53 “người anh em” còn lại và mình cũng cảm thấy tiếng nói của cái tôi nghệ sĩ đã phần nào được lắng nghe và được chia sẻ.

Có phải Ngọc đã từ chối một vài “lời mời” thiên về kinh tế? 

Đã có những thương hiệu thời trang nội địa liên lạc và muốn những emoji của mình xuất hiện trên sản phẩm. Thương hiệu nội địa muốn có những chiếc emoji của riêng họ nhưng đối với mình, “Nhỏ To Việt Nam” là một dự án với những chiếc emoji như công cụ truyền tải, về bản chất, đây vẫn là dự án thiên về cộng đồng và chứa đựng những mong muốn đẩy mạnh văn hoá Việt Nam. Vì vậy, mình cần thời gian suy nghĩ cũng như không muốn quá thúc ép quá trình sáng tạo, mình nghĩ bản thân không nên và cũng không phù hợp chạy theo tiến độ ra mắt sản phẩm rất nhanh của một thương hiệu nội địa.

"Bên cạnh đó, 'Nhỏ To Việt Nam' cho mình vô số giá trị về mặt tinh thần. Dự án thậm chí đã lớn hơn cái tôi của chính bản thân mình khi mang lại được giá trị cho xã hội chung"

Cuối cùng, Ngọc nhìn nhận bản thân là một người nghệ sĩ như thế nào?

Mình không gọi bản thân hoàn toàn là người nghệ sĩ, với công việc hiện tại, mình thiên về một nhà thiết kế hơn, và mình nghĩ lựa chọn “trở thành” nhà thiết kế là một lựa chọn hoàn toàn lí trí.

Tuy nhiên, việc đảo qua đảo lại giữa hai vai trò đôi khi cũng rất thú vị và khơi gợi được nguồn cảm hứng. Nghiêm túc thì làm nghệ sĩ là công việc vui hơn, bạn sẽ được vẽ, được sáng tạo và bạn hoàn toàn tự do. Còn thiết kế là một thứ vô cùng khoa học. Làm đồ hoạ, làm logo, làm một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh rất cần có một hệ thống.

Đôi khi mình cũng tự hỏi bản thân về những vai trò của người nghệ sĩ, trong khi một người kĩ sư có vai trò rất rõ ràng, một giáo viên hay bác sĩ cũng vậy, còn một nghệ sĩ, bạn có thể không đồng tình với mình, nghệ sĩ có vai trò gì trong xã hội? Chọn những tác phẩm trìu tượng và có phạm vi kết nối hẹp hay một tác phẩm với độ nhận diện cao, dễ tiếp cận và tuyệt nhất là có tác dụng về mặt giáo dục, đây là những điều mình luôn tự hỏi. Nghệ thuật theo mình là vì bản thân và nó chính đáng với những mưu cầu được nói, được thể hiện và được lắng nghe còn thiết kế nhất định phải dựa trên những suy nghĩ hướng tới thái độ của cộng đồng và cần phải được đón nhận song song với mục đích của bản thân. Mặc dù thiên về vế sau hơn, nhưng chắc chắn là một người làm sáng tạo, mình không thể thiếu được vế đầu.

19243206_1763633256986853_5600105362844325752_o.jpg
19400497_1763672036982975_3188982323731741110_o.jpg
20233111_1800743129942532_6259349784096009601_o.jpg
Headless Society - Nguyễn Minh Ngọc
1 / 7
Eyes - Nguyễn Minh Ngọc
"Mình không gọi bản thân hoàn toàn là người nghệ sĩ, với công việc hiện tại, mình thiên về một nhà thiết kế hơn, và mình nghĩ lựa chọn “trở thành” nhà thiết kế là một lựa chọn hoàn toàn lí trí"

Với mong muốn tiếp tục mở rộng “Nhỏ To Việt Nam” cùng những emoji khác đại diện cho danh lam thắng cảnh hay ẩm thực, dự án của Nguyễn Minh Ngọc sẽ còn tiếp diễn trong năm nay cùng nhiều hơn các ý tưởng với mục đích vì sự phát triển của cộng đồng. Trong tương lại gần, khi thế giới đã bình thường trở lại và chuỗi ngày đối mặt với đại dịch kết thúc, chúng ta cũng vẫn có thể hy vọng vào một cuốn sổ tay du lịch, hàng lưu niệm hay những tờ hướng dẫn dành cho du khách nước ngoài với loạt emoji đậm chất Việt Nam vui mắt cũng như rất dễ tiếp cận.

Cảm ơn Minh Ngọc vì những chia sẻ chân thành!

 

Recommended posts for you