Antonius Tin-Bui: “Nghệ thuật là tạo ra không gian mới, chứ không chỉ điền vào chỗ trống”
Từ văn hóa và lịch sử đầy biến động của Việt Nam, Antonius Tin-Bui học được bài học về sự tự do trong nghệ thuật và danh tính. Có lẽ bạn biết đến Antonius qua những bức chân dung bằng giấy cắt với độ chi tiết đáng kinh ngạc, nhưng nghệ sĩ còn thử nghiệm với nghệ thuật trình diễn, hay gần đây nhất là drag. Dù hình thức là gì, những sáng tác của Antonius mang phong thái tự tin khó-thiết-lập-khó-đánh-sập, mang sắc màu của cộng đồng queer và bất chấp mọi thứ, mang đậm tinh thần Việt Nam.
Xin chào Antonius. Bạn đã trở về Việt Nam vào năm 2017. Chuyến đi đó như thế nào? Có điểm khác biệt nào so với hình ảnh bạn có trong đầu không?
Trong một gia đình tị nạn đông con, chúng tôi giao tiếp bằng sự im lặng mỗi khi nhắc đến Việt Nam. Vài dịp hiếm hoi, đất nước được kể lại qua lăng kính của sự cơ cực, sự mất tích và tước đoạt. Rải rác đây đó những tia sáng của một tuổi thơ bình dị vui vẻ, nhưng chủ yếu tôi được khuyên ngăn không nên quay về.
Vì sợ ba mẹ buồn lòng, tôi cùng các ruột thịt trong nhà quyết định giữ bí mật về chuyến đi. Cuối cùng họ cũng phát hiện và ngay lập tức liên hệ cho “các cô các chú” trong lo lắng. Chúng tôi được gia đình tại Việt Nam chào đón bằng sự niềm nở, đưa đi tham quan Vịnh Hạ Long, về quê nội trước khi tự mình khám phá đất nước. Chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng mang lại nhiều thay đổi. Cuộc gặp gỡ với những nghệ sĩ xuất chúng như Tizone Bùi, Lananh Lê và Xuân Hà chắc chắn là điểm nhấn của cuộc hồi hương.
Một điều ở Việt Nam, về con người Việt hay về chính bản thân, mà bạn mong ước thế giới biết đến nhiều hơn?
Có bao nhiêu người Việt là có bấy nhiêu cách sống kiểu Việt. Chúng ta không phải một cá thể đơn lẻ, hay một khối cấu trúc khổng lồ thiếu tính cá nhân. Câu chuyện người Việt luôn biến hóa, quá bao la để bị kìm hãm.
Tôi luôn nói rằng tác phẩm của tôi mang tính phi nhị nguyên (non-binary) như danh tính của tôi vậy, và tôi tri nhận sự tự do này đến lịch sử Việt Nam. Chúng ta kiên cường, sáng tạo, có khả năng biến những tình huống tệ nhất thành cái đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà truyền thuyết nguồn gốc người Việt bắt đầu với rồng tiên, chúng ta thực sự sở hữu phép màu.
Trong tác phẩm của bạn, Việt Nam được thể hiện bằng “phiên bản” nào?
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, “Việt Nam của tôi” sai lệch, không đầy đủ và không đáng tin. Tôi không có quyền đánh giá sự hiện diện của đất nước trong tác phẩm. Nếu phải nhắc đến một thứ gì đó, tôi cho rằng bối cảnh lịch sử, văn hóa và hình hài đất nước đã hình thành triết lý nghệ thuật của tôi. Bất kể là tranh lụa, rổ đan, nhuộm chàm, sơn mài, gốm sứ, múa rối hay thêu tay, tổ tiên chúng ta có mối liên hệ mật thiết với Trái Đất. Chúng ta xử lý vật liệu một cách chậm rãi và có chủ đích, tôn vinh cả nguồn gốc lẫn tiềm năng của nó. Tôi khao khát có thể truyền vào tác phẩm sự chu đáo và cẩn thận đó.
Việt Nam dạy tôi rằng nghệ thuật còn là tạo ra không gian mới, chứ không chỉ điền vào chỗ trống. Việc thờ cúng tổ tiên, thói quen suy nghĩ cho tập thể nhắc nhở tôi rằng chúng ta đang cùng hướng đến một thiên đường (utopia) và điều này đòi hỏi phải nâng cao công việc của tất cả mọi người. Chúng ta cần các nhà hoạt động, giáo viên, nhà quy hoạch đô thị, kiến trúc sư, phụ huynh, công nhân tình dục, nghệ sĩ drag… Danh sách dài vô tận.
Nghệ sĩ người Việt và người Mỹ gốc Việt thường bị đánh đồng với chiến tranh, sang chấn và khủng hoảng danh tính. Điều này có đúng với trải nghiệm của bạn không? Liệu cách các nghệ sĩ Việt Nam trẻ tại Mỹ tiếp cận nghệ thuật, và bản thân, đã có thay đổi?
Cuộc chiến và dư âm của nó đúng thật có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật của tôi, cũng như của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ gốc Việt khác. Chủ đề về chiến tranh, di cư, sang chấn liên thế hệ và sự đồng hóa cũng thường xuất hiện trong tác phẩm, vì chúng đã ăn sâu vào trải nghiệm chung của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Tuy nhiên, quan trọng cần phải nhớ rằng đó không phải là câu chuyện duy nhất. Chúng tôi có nhiều trải nghiệm và góc nhìn, tác phẩm của chúng tôi phản ánh sự đa dạng đó. Các thế hệ nghệ sĩ gốc Việt trẻ đang khám phá nhiều chủ đề, phong cách mới, lật đổ và từ chối những gì đã được phóng chiếu lên cộng đồng trước đó. Chúng tôi đang xây dựng trên nền tảng mà các thế hệ trước đã phải đấu tranh giành giật. Trách nhiệm của chúng tôi là nối dài trí tưởng tượng, tôn vinh tính nội tại và thay đổi khuôn mẫu – Chúng ta sẽ khó nắm bắt, khó hiểu và tồn tại đến vô tận.
Cách người ngoại quốc tiếp cận tác phẩm nghệ thuật Việt Nam có thay đổi không?
Nghệ sĩ da màu đồng tính và chuyển giới thường được kỳ vọng phải giáo dục khán giả bằng nghệ thuật, buộc chúng tôi phải có một mức độ rõ ràng nhất định, mang đến những hạn chế trong cách thể hiện. Mặc dù có nỗ lực hỗ trợ các cộng đồng yếu thế (marginalized communities) ở Hoa Kỳ, thật khó để không nghi ngờ chủ đích đằng sau những “sáng kiến vì sự đa dạng”. Có phải chúng ta chỉ là một xu hướng? Đây có phải là “ra vẻ”? Họ sẽ thực sự thúc đẩy và tiếp tục bồi thường chiến tranh như thế nào?
Nhân ngày 30/4 sắp đến, bên cạnh việc tưởng niệm, tôi hy vọng chúng ta có thể dành thời gian mơ về tương lai mới. Mảnh ghép còn thiếu (Missing Piece) là một dự án thách thức các khái niệm về tưởng niệm và lưu trữ. Được thành lập bởi Tiến sĩ Kim Trần, Mảnh ghép còn thiếu kết hợp hàng loạt các vật dụng được hiến tặng trên quy mô toàn quốc tại Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam ở Washington DC (Bức tường Đen), đến từ cộng đồng người Việt Nam, Lào, Hmong, Campuchia và các cộng đồng khác đến nay vẫn bị ảnh hưởng bởi tàn tích của cuộc xung đột ở Đông Nam Á, cho phép các cộng đồng này lấy lại những trải nghiệm, lịch sử và ký ức trong quá khứ theo cách riêng.
Bạn có một tác phẩm mang tên “I remember opening you into words gently with a single question.” (Tạm dịch: Tôi nhớ đã tách người thành câu chữ, nhẹ nhàng bằng duy nhất một câu hỏi). Một câu hỏi như vậy đã xuất hiện với bạn chưa? Bạn đã giải quyết nó như thế nào?
Một phần của quá trình trưởng thành là chấp nhận rằng có những lúc trong tôi đầy câu hỏi, lúc khác lại gặp đầy câu trả lời. Câu trả lời dẫn đường cho mùa đông năm nay đến từ Trinh T. Minh-Ha: “Một giọt mực có thể thay đổi tính chất của một cốc nước- hay của đại dương. Ngay cả khi sự thay đổi đó không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đó là sức mạnh trong mỗi đóng góp cá nhân.”
Về câu hỏi, một câu hỏi trực tiếp và có ảnh hưởng lớn khi tôi còn trong độ tuổi 20 là “Tại sao bạn không bao giờ nhìn thẳng vào mắt tôi?” Hay theo như cách tôi hiểu: “Tại sao bạn luôn nghi ngờ bản thân?”
Trả lời câu này buộc tôi phải đối mặt với xu hướng coi thường và không tin tưởng bản thân, cùng nỗi lo về cách mọi người nhìn nhận mình. Khi còn trẻ, tôi luôn lo rằng mình không đủ, sợ rằng mình không đọc, nhìn, hiểu, cảm nhận và tin tưởng đủ. Muốn trả lời câu hỏi này, tôi buộc phải thách thức những quyền lực lớn hơn mình, hiểu cách xã hội và môi trường giam cầm chúng ta. Đến nay tôi vẫn cố gắng trả lời câu hỏi này bằng cách mỗi ngày di chuyển, ăn mặc, nhảy múa và nói năng một cách chân thành nhất có thể.
Cá nhân tôi nhận thấy tính thơ trong tác phẩm của bạn và cách bạn giao tiếp. Khi nhắc đến thứ liên quan đến giấy, vật dụng đầu tiên chúng ta nghĩ đến thường là cây bút, chứ không phải con dao cắt. Thơ có nằm trong dự định tương lai của bạn không?
Không từ ngữ nào có thể diễn tả lòng biết ơn tôi dành cho cách thơ ca viết lại hiện thực của tôi, khuyến khích tôi tìm đến những điều xa lạ qua con đường vòng, sự trừu tượng và đứt quãng. Hieu Minh Nguyen, Paul Tran, Michelle Phuong, Franny Choi, Theresa Hyak Kyung Cha, và Wo Chan là một số ít những nhà thơ Châu Á – Thái Bình Dương đã cứu rỗi tôi.
Khi thực hiện các bức chân dung cắt giấy thủ công, tôi so sánh mỗi lát cắt với một đoạn ngắt dòng trong bài thơ, như một cơ hội để nghỉ xả hơi trước khi đến với ý tưởng tiếp theo. Mỗi nhịp hít vào, thở ra sẽ cùng nhau hóa thành một khối văn bản có thể được đọc theo vô số cách.
Về việc theo đuổi thơ ca, tôi sẽ không bao giờ từ chối cơ hội mở rộng phạm vi thực hành nghệ thuật đâu, nhưng gần nhất với sáng tác thơ hiện tại với tôi là viết nguệch ngoạc những đoạn như thế này:
“Tôi muốn trở thành một cơ hội/giọt mực viết về/tổ tiên mà tôi luôn cần”
Tôi sẽ cần phải được hướng dẫn rất nhiều (cười).
Có nghệ sĩ nào tại Việt Nam mà bạn để ý đến không? Một lần hợp tác, hay một buổi triển lãm có nằm trong kế hoạch của bạn?
Chứng kiến qua mạng xã hội sự bùng nổ của các sự kiện, tập thể, thương hiệu và không gian ở Việt Nam khiến tôi FOMO (Fear of Missing Out) lắm . Cảm giác như không về Việt Nam thì không kịp nữa. Tôi rất tò mò về ba-bau AIR, MORUA Arts Project, todamvn, VAPCUCDA, ARCAN, matca, V2X Academy, Tiny Giant Hanoi và The Lab. Và tất nhiên, tồn tại cùng lúc với những biểu tượng như Nguyễn Tường Danh, Tizone, Xuân Hạ quả là tuyệt vời. Về mặt hợp tác và triển lãm, tôi hiểu rằng hãy để vũ trụ tự vận hành. Chỉ cần đắm mình trong hiện thực kỳ diệu là quá đủ rồi. Nếu có thể, tôi tìm hiểu cách người Mỹ gốc Việt có thể hỗ trợ cộng đồng từ xa.
Bạn có nghĩ Việt Nam đã sẵn sàng cho bạn chưa? Dù gì thì đã từng có một bài phỏng vấn gọi bạn là “giấc mơ hoang đường nhất của tổ tiên.”
Tôi thực sự tin rằng cần phải đảo ngược câu hỏi, tôi/chúng ta đã sẵn sàng cho Việt Nam chưa? Từ xa nhìn lại, rõ ràng Việt Nam đang trải qua thời kỳ phục hưng, tái thiết sự sáng tạo và thế giới nên chú ý nhiều hơn. Tôi chắc chắn cần chuẩn bị bằng cách xin thị thực, cải thiện kỹ năng tiếng Việt và tiết kiệm để ở lại đấy càng lâu càng tốt.
Cuối cùng, bạn ăn Tết như thế nào? Bạn có những mong chờ gì cho năm mới?
Dành thời gian để tưởng nhớ ông bà và gọi điện cho những người thân yêu là ưu tiên hàng đầu của tôi, đặc biệt khi ăn Tết xa nhà. May mắn thay, vẫn còn có cơ hội trải nghiệm cộng đồng với Hội Chợ Tết ở Hartford, Connecticut. Thú vị hơn cả, tôi sẽ biểu diễn với tư cách umami, nhân cách drag của mình, tại buổi bế mạc chương trình Băng Qua Nước: Across Land, Across Water tại Creative Arts Workshop ở New Haven. Tôi sẽ chơi cồng chiêng, biểu diễn vũ điệu ngẫu hứng cùng với nghệ sĩ cello/bạn thân Issei Herr.
Tạo ra nhân cách drag đã là một giấc mơ kéo dài hàng thập kỷ. Khoảnh khắc tôi bước vào độ tuổi 30 là lúc ước mơ thành hiện thực. Năm con mèo bắt đầu với món quà như vậy, rất phù hợp với dự định cá nhân năm 2023: Bảo vệ năng lượng bằng cách ở bên cạnh những người và những dự án thực sự thú vị, tôn vinh bản thân bằng cách xây dựng những thói quen lành mạnh và từ chối việc phải giải thích mọi quyết định nghệ thuật cá nhân ngay lập tức.
Cảm ơn Antonius Tin-Bui vì đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này. Rất hy vọng có thể gặp lại bạn ở Việt Nam.
Hình ảnh: NVCC