#Y2KIssue: Thế hệ 8X và 9X đã lớn lên với những huyền thoại văn hóa pop này!
Hội chứng Potter
Thứ Hai ngày 26/6/1997, nhà xuất bản Bloomsbury Children’s Books ra mắt một cuốn sách của tác giả vô danh trong làng văn chương, một bà mẹ đơn thân từ thành phố Edinburgh. Cuốn sách trước đó đã bị từ chối xuất bản đến tám lần, họ nói rằng nó quá dài, sẽ chẳng có đứa trẻ nào đủ kiên nhẫn đọc hết một quyển, chứ đừng nói đến bảy quyển như tác giả kì vọng đâu. Nữ tác giả vui mừng vì đứa con tinh thần được bà chấp bút viết những chương đầu tiên trên một chuyến tàu hỏa đến mức bà sẵn sàng chấp nhận mức nhuận bút chỉ 2.500 bảng Anh, kèm với lời khuyên chân thành của những người làm trong giới xuất bản lúc bấy giờ: chớ dại dột mà bỏ công việc bà đang có vì chẳng ai sống nổi từ việc viết sách cho trẻ con! Cuốn sách đó, chính là Harry Potter và Hòn đá Phù thủy, một trong những cuốn sách được yêu thích nhất và có tầm ảnh hưởng nhất trong 100 năm trở lại đây. Nhà văn ấy là J.K. Rowling. Và tất nhiên, bà đã bỏ công việc dạy học từ lâu mà chuyên tâm viết sách, bởi không chỉ sống được từ những câu chuyện dành cho trẻ con ấy, bà trở thành nữ triệu phú có nhiều tài sản hơn cả Nữ hoàng Anh đến từ không chỉ bảy phần sách ra mắt mà còn tám phần phim điện ảnh, các sản phẩm ăn theo, các phần sách ngoại truyện, và hằng hà xa số dự án liên quan đến thế giới pháp thuật mà bà kiến tạo.
Trước Harry Potter, phù thủy là “mụ già xấu xí độc ác” chăm chăm hãm hại những nàng công chúa trong truyện cổ Grimm và Andersen và phép thuật chỉ là một chút ảo diệu len lỏi trong thế giới cổ tích mà chỉ có trẻ con mới đọc và say mê. Sau từng phần của Harry Potter, phù thủy là những người có thể đang sống ngay trên những con phố London, và phép thuật là cả một thế giới của môn thể thao riêng, trường học riêng, một kiểu thông minh riêng, một kiểu quái đản kì quặc riêng… Giai đoạn thăm dò kể từ ngày Harry Potter chạm đến tay những độc giả nhỏ tuổi diễn ra vào những năm cuối thế kỉ 20, người ta muốn xem có bao nhiêu quốc gia muốn dịch Harry Potter, liệu phần phim đầu tiên có thành công như những gì cuốn sách đã làm được, liệu những tập sách tiếp theo có đủ sức hấp dẫn để phải ngóng chờ. Và rồi vào tháng 7/2020, tờ The New York Times lần đầu tiên tạo hẳn một danh sách bestseller riêng cho văn học thiếu nhi, quyết định chẳng mấy khó hiểu khi cả ba tập đầu tiên của chuỗi sách Harry Potter lần lượt kéo nhau thống trị top 3 trong một danh sách bestseller vốn chỉ dành cho văn học trưởng thành trong hơn một năm trời.
500 triệu bản sách bán ra khắp thế giới với 79 ngôn ngữ khác nhau, hãy hỏi những millennial từ một quốc gia bất kì bạn tình cờ gặp đâu đó, bạn sẽ thấy Harry Potter lúc nào cũng là gợi đề tuyệt vời cho một đoạn hội thoại bất tận, bởi ai mà chẳng có phần sách yêu thích, phần phim họ xem đi xem lại cả chục lần hay một ngôi nhà chung ao ước ở trường pháp thuật Hogward. Harry Potter là biểu tượng tiêu biểu nhất của một thế hệ lớn lên trong những năm Y2K khi độ phủ sóng gần như toàn cầu của thế giới ma thuật ấy đã thiết lập một trật tự mới trong văn hóa đại chúng.
Nó biến văn học từ việc chỉ dành cho những mọt sách kính cận trở thành tâm điểm của Pop Culture, nó khẳng định đọc sách cũng có thể là một kiểu xu hướng, việc có thể bàn luận về nó và đón chờ từng phần sách hay phim ra mắt thì cũng chẳng khác mấy so với việc người ta đứng chờ hàng giờ để xem concert của Beyoncé hay ngồi nghịch bộ xếp hình lego lấy cảm hứng từ những nhân vật comic nổi tiếng của Marvel.
“Pop” nhưng không hẳn “Poppy”
Có một hiểu lầm nho nhỏ những rất phổ biến về Pop Culture cả trước và sau Harry Potter, khi nhiều người nghĩ “pop” lấy từ nhạc pop-thể loại nhạc thịnh hành lúc bấy giờ, nhưng Pop Culture lại là viết tắt của “Popular Culture” – “Văn hóa đại chúng”. Thuật ngữ này bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ 19, nhằm phân biệt văn hóa truyền thống của mọi tầng lớp với thứ văn hóa chính thức của tầng lớp thống trị. Tác giả Brummett lý giải trong cuốn Rhetorical Dimensions of Popular Culture, Pop Culture xoay quanh tất cả khía cạnh đời sống xã hội thu hút sự chú ý của phần đông dân số, cũng vì thế, Pop Culture dưới phông nền văn hóa hiện đại bao hàm tất cả những sản phẩm văn hóa như âm nhạc, nghệ thuật, văn học, thời trang, thể thao, điện ảnh, văn hóa mạng, truyền hình và radio, thậm chí sản phẩm công nghệ, tiếng lóng hay thói quen ăn uống…
Chưa bao giờ văn hóa đa dạng như ở giai đoạn đầu thế kỷ 21, bởi chính nhiều nhà xã hội học vẫn còn đang lúng túng lần theo dấu vết của những biến đổi chóng mặt của định nghĩa Pop Culture và tác động của nó tới đời sống tinh thần và vật chất con người, bởi những năm 2000 cũng là thời điểm mass media – công cụ truyền bá văn hóa đại chúng không chỉ còn giới hạn ở chiếc TV ăng ten hay tờ tạp chí in màu mè đắt tiền. Những rạp chiếu không còn là nơi độc tôn trình chiếu phim ảnh. Người ta cũng không nhất thiết chỉ có lựa chọn cài đặt truyền hình cáp hay mua CD để nếu muốn nghe những ca khúc mới nhất trên bảng xếp hạng.
Những kênh âm nhạc truyền thống như MTV vẫn có vị trí vững vàng với người yêu nhạc trẻ tuổi ở thời điểm đó, bởi ai mà chẳng tò mò bộ đồ tiếp viên hàng không xanh dương nàng Britney Spears mặc trong MV Toxic, hay ngắm nghía cho thỏa vẻ lãng tử kiểu Mỹ của Justin Timberlake khi hát Cry Me A River. Mong muốn và cách thức nghe nhạc truyền thống ấy chỉ thay đổi khi Steve Jobs giới thiệu mẫu iPod đầu tiên vào tháng 10/2001, cuộc cách mạng công nghệ đã biến những chiếc máy nghe nhạc mp3 trở thành phiên bản có tuổi thọ pin dài hơn đồng nghĩa với việc người ta có thể nghe nhạc lâu hơn và ở mọi lúc mọi nơi, bộ nhớ lớn hơn đồng nghĩa với việc người ta có thể nghe được âm nhạc của nhiều nghệ sĩ hơn, cả mới cả cũ, liên tục cập nhật.
Từ những chiếc điện thoại gập mỏng tang duyên dáng của Motorola Razr (năm 2004) cho đến Nokia Express Music tích hợp máy nghe nhạc mp3 ra mắt vào năm (2006), từ nền tảng trò chuyện trực tuyến Yahoo 360 Blog cho đến My Space (ai mà chẳng muốn chia sẻ về những bài hát họ đang nghe, bộ phim họ đang xem hay kết nối với những người sống ở đầu kia thế giới cơ chứ?).
“What goes around… Comes around”
Muôn hình vạn trạng như Pop Culture, những năm 2000 cũng phá bỏ giới hạn của mẫu số chung công chúa hoàng tử một màu từ “lò” Disney. Không có chương trình truyền hình thực tế như Keeping Up With The Kadashians, sẽ chẳng ai biết đến khái niệm influencer là gì và chị em nhà Kadashian vì sao mà nổi tiếng dù chẳng có tài năng cụ thể gì. Không có American Idol lần đầu tiên ra mắt vào năm 2002, sẽ chẳng có một Adam Lambert đồng tính công khai, một Jennifer Hudson da màu, một Carrie Underwood hát nhạc đồng quê… tất cả đều là chủ nhân của những chiếc cúp Grammy. Mảnh đất màu mỡ truyền hình thực tế tái định nghĩa một thế hệ người của công chúng mới, một xu hướng giải trí đủ mọi cấp độ từ phát hiện tài năng đến tìm kiếm tình yêu hay thậm chí tìm cách sinh tồn trên hoang đảo.
Đặc tính cộng đồng hiển nhiên của Pop Culture vừa phản chiếu, vừa để lại những ảnh hưởng giúp định hình đến không chỉ những xã hội tiên phong của văn hóa đại chúng như Mỹ hay Anh, mà mọi cộng đồng và mọi nền văn hóa nơi những biểu hiện văn hóa đại chúng đó chạm đến. 2YK là giai đoạn quan trọng khi chứng kiến sức lan rộng đáng kinh ngạc của Pop Culture đến những ngõ hẻm của thế giới rộng lớn ngoài phương Tây.
Bỏ qua lịch sử và những khác biệt văn hóa, lần đầu tiên những người trẻ cùng một thế hệ chia sẻ đam mê của họ với âm nhạc của Lady Gaga hay Eminem, cùng háo hức với tin Brad Pitt và Jennifer Aniston chính thức trở thành cặp đôi quyền lực nhất Hollywood (dù sau đó là Brad Pitt và Angelina Jolie) hay cùng rơi lệ khi xem cảnh cụ Dumbledore rơi từ đỉnh tháp sau lời nguyền giết chóc trong Harry Potter và Hoàng tử lai…
Không phải ngẫu nhiên khi sự trở lại của những bộ tracksuits, quần ống loe cạp trễ hay áo crop top hai dây mà Jennifer Lopez hay Paris Hilton từng mặc vào đầu những năm 2000 không chỉ là một kiểu xu hướng thời trang quay vòng đơn thuần mà còn chứa đựng một khao khát chạm đến những giao diện văn hóa hai chục năm về trước.
Cũng không phải ngẫu nhiên những “di sản” của Pop Culture vào những năm 2000 vẫn hiện diện đâu đó xung quanh bạn, cứ nhìn vào những phiên bản chính thức hay thay đổi concept của American Idols, hay cái cách How I Met Your Mother vẫn là một trong những show phim truyền hình kinh điển được xem đi xem lại nhiều nhất kéo theo đó là những show phim truyền hình dài tập motif xoay quanh một nhóm bạn như New Girls, Brooklyn 99 vào thập kỷ tiếp theo…
Văn hóa đại chúng những năm Y2K giờ đây vẫn còn để lại phức cảm hoài niệm chứa đựng cả dư vị ngọt lẫn đắng của thời gian và không gian, của những gì còn lại và những gì đã mất. Nhưng Youtube vẫn đang ở đó để đưa những năm tháng thế giới chuyển động cùng Pop Culture giai đoạn đầu thế kỷ 21. Ở đó vẫn còn một Justin Timberlake trẻ trung đứng tán tỉnh cô gái nóng bỏng anh gặp trên sân thượng một bữa tiệc (không ai khác ngoài Scarlett Johansson) bằng ca khúc R&B đã đứng đầu bảng xếp hạng Billboard cả năm trời: “What Goes Around… Comes Around”. Như chính sự quay vòng và bất tử của văn hóa đại chúng nói chung và vào những năm Y2K nói riêng.