Pop, Music & Film

Đạo diễn thể nghiệm La Zung: "Mình muốn kể chuyện bằng nhịp điệu"

Là đạo diễn, đồng thời là một biên đạo múa, cái tên La Zung không còn xa lạ với cộng đồng nghệ thuật. Những dự án phim thể nghiệm đương đại nổi bật như “Ngày mai còn ai", “Jasmine" là bức tranh nghệ thuật mang đậm đặc trưng của La Zung, mà như anh khẳng định, "mình muốn làm một người kể chuyện bằng nhịp điệu."

face head person photography portrait glasses adult male man smile

“Jasmine” hay “Ngày mai còn ai" đều lấy bối cảnh gai góc, thậm chí được quay tại bãi phế liệu. Lý do gì khiến La Zung lựa chọn chủ đề u ám như vậy?

Mình chọn bối cảnh chỉ đơn giản dựa trên tính chất và chủ đề của dự án. Ví dụ như khi nhận thực hiện chủ đề “Sống xanh” trong triển lãm “Tiếp bước tiến”, mình cảm thấy môi trường có thể là một khía cạnh tiêu biểu có thể nói tới.

Với nhiều người, sống xanh là ăn uống lành mạnh, hay trồng cây gây rừng. Nhưng có câu nói rất hay các cụ để lại: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, phải chăng con người khi chưa bị đẩy tới cùng cực, thì chưa nhận ra mình cần thay đổi? Vậy thì cùng cực của sống xanh có thể là khi cuộc sống "không còn xanh" nữa. Và mình nghĩ rằng sẽ rất tuyệt nếu mình có thể tận dụng nguồn rác phế liệu có sẵn, không gây hại sức khoẻ để làm bối cảnh và biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật. Cho dù bối cảnh có như thế nào, thì bọn mình cũng vẫn nhìn thấy vẻ đẹp rất riêng và câu chuyện trong từng chất liệu trong bãi phế liệu đó. Chúng mình đi scout (khảo sát) nhiều bãi phế thải và chỉ chọn bãi phế liệu, không có mùi - mình thấy ở đó một vẻ đẹp sẵn có mà không cần setup nhiều. Mỗi lần đến bối cảnh đều có sự thay đổi, mình và ekip tuỳ cơ ứng biến.

Trong khi thực hiện tác phẩm phim thể nghiệm đương đại “Ngày mai còn ai", giai đoạn nào mất nhiều thời gian nhất?

Đó là giai đoạn tập luyện cùng vũ công, diễn viên kéo dài trong suốt 3 tuần liên tiếp. “Ngày mai còn ai" quy tụ những nghệ sĩ hàng đầu trong lĩnh vực của họ, có những người kỳ cựu, dày kinh nghiệm như diễn viên Nam Thư, ứng tác giỏi như Liêu Hà Trinh. Có nhiều dancer kỳ cựu thuộc thế hệ F0 là giảng viên dạy La Zung, cũng có nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Z. Các nghệ sĩ không có kiến thức nền chung. La Zung muốn họ “phá" ra, ai diễn tốt thì sẽ nhảy và ngược lại. Khi phải "tắt" thứ họ giỏi nhất, họ sẽ phát huy được những điểm chưa phát triển. Đề bài là một tác phẩm thể nghiệm nên không có gì hạn chế khả năng của họ, có khi tới ngày quay mới nhận ra mình hợp với cái gì.

Là một nghệ sĩ tự do, có bao giờ anh cảm thấy lạc lối?

Vì làm nhiều lĩnh vực, ban đầu, mình không biết thứ gì hợp với bản thân. Dần dần, mình nhận ra điểm mạnh khi phát triển nhiều thứ một lúc, vừa rap, làm quảng cáo, làm nhạc, nhảy,... Sự quay vòng các sở thích tạo ra nhiều góc nhìn khác nhau. Ví dụ như khi nhảy krumping cần ngôn ngữ gương mặt, cơ thể cứng, chắc và phóng đại, tới khi múa đương đại lại có ngôn ngữ cơ thể rất mềm mại, chảy. Mình để những tính chất đối lập này quyện vào nhau, tạo ra ngôn ngữ hình thể như mọi người thấy bây giờ. Kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau mới tạo được sản phẩm như vậy.

Nhìn vào sự nghiệp của anh, có thể thấy La Zung đã có được sự ghi nhận từ nhiều Giải thưởng lớn quốc tế. Anh cảm thấy như thế nào? Sự ghi nhận quốc tế có nói lên đâu là tác phẩm tốt?

La Zung cảm thấy vui, không chỉ vì được quốc tế biết đến. Cộng đồng tại Việt Nam rất nhỏ, việc được ghi nhận rộng hơn khiến mình có thêm động lực làm nghề. Tuy nhiên, mình chưa đủ giỏi để được các giải thưởng lớn công nhận, mà mới chỉ được ghi nhận ở những giải thưởng quy mô nhỏ dành cho các nghệ sĩ triển vọng. Mình luôn khám phá, nhận thức khả năng của mình ở đâu.

Một tác phẩm tốt nên được đánh giá dưới nhiều góc độ, không chỉ qua số lượng người xem. Đối với La Zung, một tác phẩm tốt là khi nó có sự lan tỏa mạnh mẽ, tác động đến hành vi của những người tiếp cận nó. “Ngày mai còn ai" nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng nghệ thuật, truyền cảm hứng cho những người anh em xung quanh. Đối với mình, vậy là đủ.

Có hay không một khuôn mẫu Á mà giới mộ điệu quốc tế nhìn vào các tác phẩm điện ảnh Việt: nghèo nàn, tăm tối và thiếu văn minh?

Chính câu hỏi này cũng khuôn mẫu rồi. Trong các Lễ trao giải sẽ có những người chấm giải khác nhau, kết quả đa dạng dựa vào thế giới quan của từng người. Đó không phải vấn đề đáng để lo ngại. Ví dụ, có những tác phẩm mình gửi đi LHP quốc tế và bị chê, nhưng ở LHP khác lại được ghi nhận. Thay vì một ban giám khảo (BGK), La Zung chọn cho mình nhiều BGK thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.

Hoặc dự án phim thể nghiệm đương đại “Jasmine” xoay quanh chủ đề bình đẳng giới được làm cách đây một năm, tới giờ vẫn được quan tâm. Ngày nào cũng có mail từ Liên hoan phim thuyết phục mình gửi tác phẩm dự thi. La Zung dừng lại vì cảm thấy hành trình của tác phẩm đã đủ, không cần đấu tranh thêm nữa.

Là một nhà làm phim ghi tên mình trên bản đồ quốc tế, anh cảm thấy mình được và mất gì?

Người Việt thường trân trọng các chứng chỉ quốc tế hơn là những giải thưởng nội địa. Việc thành công tại một vài LHP mở ra nhiều cơ hội cho mình. Điểm thiệt thòi là sự đầu tư, vì với mỗi tác phẩm điện ảnh, mình cần dành thời gian và tiền bạc, cũng phải mạnh mẽ để tin vào tầm nhìn của bản thân. Các nhà làm phim khó có được sự quan tâm từ công chúng, vì tần suất ra phim rất thưa, trong khi nếu không cập nhật thì khán giả sẽ quên mình. Mình vẫn làm các dự án quảng cáo để kiếm tiền, “đập tiền" cho các tác phẩm cá nhân.

Anh có thể kể tên một vài nghệ sĩ có ảnh hưởng đến quá trình thực hành nghệ thuật của mình?

Đó là anh Việt Max, thủ lĩnh đời đầu của Hiphop Việt sau đó trở thành nhà thiết kế, đạo diễn phim. Việt Max biết chuyển hoá thế mạnh của bản thân sang các lĩnh vực khác mới mà anh ấy tham gia.

Trước đó, La Zung tự mày mò chứ không được đào tạo bài bản về điện ảnh nên rất tự ti. Nhìn vào anh Việt Max, mình tự hỏi: “Thế mạnh của bản thân là gì?”.  Khi mình đưa được thế mạnh vào tác phẩm, mình cảm thấy rất tự do. Đi theo chính thống vẫn là điều nên, nhưng La Zung không tự giới hạn khả năng, ép bản thân phải thế nọ thế kia nữa. Mình ý thức được thế mạnh nhịp điệu và áp dụng vào tác phẩm, mọi người sẽ thấy sự đặc trưng không lẫn với ai khác. Đó là bài học lớn nhất mà mình học từ anh Việt Max. Tự do trong thể loại, từ âm nhạc, phim thể nghiệm đến nghệ thuật trình diễn, mình muốn làm một người kể chuyện bằng nhịp điệu.

Cảm ơn La Zung vì những chia sẻ thú vị. 

Ảnh: NVCC 

Recommended posts for you