Love & Life

Sống chậm: Tôi đã bỏ lỡ điều gì?

Không phải chỉ từ khi đại dịch hoành hành, chúng ta mới có thể cảm nhận được sự chậm rãi của đời sống. Không phải đến khi cuộc sống đặt chúng ta trong hoàn cảnh phải sống chậm lại, chúng ta mới bắt đầu suy nghĩ về những cuộc chạy đua của mình. Sống chậm đã từ lâu đã là một sự lựa chọn, một triết lý nhân văn giúp nhiều người trả lời các câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống.

Sống chậm không phải là cảm hứng nhất thời

Năm 1986, nhà báo và tác giả ẩm thực người Ý Carlo Petrini đã khởi xướng phong trào “ăn chậm” nhằm phản đối kế hoạch mở một nhà hàng McDonald ở trung tâm Rome. Việc mở McDonald bị xem như sự xâm lấn của công nghiệp thức ăn nhanh đến nhiều nơi trên thế giới. Không chỉ kêu gọi mọi người nói không với thức ăn nhanh, phong trào còn gợi nhắc về việc bảo tồn phong cách ẩm thực truyền thống và vùng miền, thiết lập lại tư duy về văn hóa sản xuất và tiêu thụ thức ăn của xã hội hiện đại. Sau gần 35 năm, đến nay có hơn hàng triệu người tham gia phong trào trải dài từ 160 quốc gia trên khắp thế giới. 
 

Ăn chậm không phải là một xu hướng (nguồn: Daily Sabah)

Đến năm 1999, khi phong trào "thành phố chậm" ra đời ở Ý, mở lối cho những suy nghĩ và tiêu chuẩn về một không gian sống chậm, triết lý thư nhàn hay lối sống chậm mới thực sự được nhìn nhận thực tế và phát triển thành kế hoạch toàn diện. Dần dần, triết lý sống chậm được lan tỏa rộng rãi từ Châu Âu sang Châu Á, trở thành thước đo về hạnh phúc và giá trị đích thực trong cuộc sống.

Trên phương diện rộng hơn, triết gia người Na Uy Guttorm Fløistad từng nhận định về triết lý sống chậm: "Điều duy nhất chắc chắn là mọi thứ đều thay đổi. Tốc độ thay đổi cũng tăng lên. Nếu bạn muốn đuổi kịp, phải tăng tốc độ hơn. Đó là thông điệp của ngày hôm nay. Tuy nhiên, nó có thể hữu ích khi nhắc nhở mọi người rằng nhu cầu cơ bản của chúng ta không bao giờ thay đổi. Nhu cầu được nhìn thấy và đánh giá cao! Đó là nhu cầu được thuộc về. Nhu cầu gần gũi và quan tâm, và một tình yêu bé nhỏ! Và điều này chỉ có được nhờ sự chậm rãi trong quan hệ giữa con người với nhau. Để làm chủ được những thay đổi, chúng ta phải phục hồi sự chậm rãi, sự soi chiếu và sự gắn bó với nhau. Đó là nơi chúng ta sẽ tìm thấy sự đổi mới thực sự.” 

1 / 6
Thành phố chậm Silly từ Bỉ
Thành phố chậm Kristinestad ở Phần Lan
Thành phố Goolwa ở Úc (nguồn: Graham Scheer)
Thành phố Clonakilty ở Ireland
Thành phố Nanzhuang ở Đài Loan

Theo thời gian, thuật ngữ "chậm" hay phong trào “chậm” sau đó đã được áp dụng linh hoạt trên nhiều khía cạnh khác nhau như du lịch, giáo dục, phong cách sống và cả cách suy nghĩ. Phong trào “chậm” không đơn thuần là một sở thích nhất thời. Phong trào hiện diện như một cuộc cách mạng về hành vi và các chúng ta nhìn nhận về thế giới. Triết lý của phong trào đặt ra các câu hỏi để mỗi người tự chiêm nghiệm lại cuộc sống của bản thân, của cộng đồng, của hệ sinh thái mà chúng ta đang thuộc về. 
 

Chúng ta đang sống nhanh đến thế nào ?

Trong công trình nghiên cứu có tên Tyranny of the Moment: Fast and Slow Time in the Information Age (Tạm dịch: Bạo chúa thời gian: thời gian nhanh và chậm trong thời đại thông tin), nhà xã hội học người Na Uy Thomas Hylland Eriksen đã chỉ ra rằng thời gian trôi chậm là một nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm trong thời đại thông tin. Chúng ta đang sống trong thời đại mà thuốc lá thay chỗ cho tẩu, thư điện tử thay thư tay, các bài báo ngày càng có xu hướng ngắn hơn, các hình ảnh xuất hiện với tốc độ nhanh hơn. Mọi thứ đều có xu hướng nhanh và nhanh hơn nữa. Dẫn chứng như một dàn nhạc cổ điển của Nhật Bản đã chơi Bản giao hưởng số 5 của Beethoven nhanh hơn nguyên bản tới 4 phút 15 giây. Một vở kịch của Ibsen ngày xưa dài 4 tiếng thì bây giờ các nghệ sĩ Na Uy chỉ cần diễn trong vòng 2 tiếng. Chúng ta đang dần trở thành nô lệ của tên bạo chúa thời gian. Đó chính là những mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội đương đại bị định hướng bởi công nghệ. Và đó cũng chính là nguyên nhân khiến cuộc sống ở các xã hội phương Tây có nguy cơ tan rã thành những mảnh rời rạc.

Nhưng có lẽ câu hỏi “chúng ta đã sống nhanh đến thế nào?” vẫn chưa thể khiến chúng ta tự vấn. Vì có chăng nhịp sống hiện tại có thể chưa bao giờ được định nghĩa là nhanh. Hoặc nói cách khác, chúng ta luôn cho tốc độ ở cuộc sống hiện tại là hiển nhiên, chẳng có gì khác biệt. 

Chúng ta luôn cho tốc độ ở cuộc sống hiện tại là hiển nhiên, chẳng có gì khác biệt. Ảnh: Design4users 

Cách đây 17 năm, nhà báo Carl Honoré đã bắt đầu đặt lại câu hỏi này và đi tìm câu trả lời. Ông chỉ ra rằng sự chú trọng của phương Tây vào tốc độ đã làm xói mòn sức khỏe, năng suất và chất lượng cuộc sống. Con người dần chìm trong văn hóa tốc độ một cách vô thức. Chúng ta sống đủ nhanh để kịp chạy deadline. Chúng ta sống trong kỷ nguyên của những câu nói ám ảnh như từng giây phút là tiền bạc. Chúng ta mua những tờ tạp chí chỉ dạy cách làm tình và thăng hoa trong 5 phút.

Sống nhanh như vậy, nhưng con người cũng chẳng có thời gian tận hưởng vẻ đẹp mà từng phút giây trong đời mang đến. Chạy nhanh như vậy, nhưng chúng ta cũng chẳng có thời gian để kể chuyện cho con nghe vào buổi tối, hay cảm nhận phút bình lặng bên người thương, hoặc thực sự đắm mình vào những giây phút riêng tư nhất cho bản thân. Những điều thiêng liêng đó không còn là sự lựa chọn để tận hưởng, mà trở thành một gạch đầu dòng trong to-do-list mà chúng ta phải chạy thật nhanh để gạch đi, báo hiệu sự hoàn thành.

Mọi thứ đều trở thành to-do-list (nguồn: Adobe Stock)

Trong bài chia sẻ trên Ted Talk về nghiên cứu phong cách sống chậm, nhà báo Carl Honoré từng phân tích các yếu tố như chủ nghĩa tiêu dùng, ám ảnh công nghệ, sự hiện đại hóa,.. có thể là những nguyên nhân đã bóp méo cách chúng ta nhận diện cuộc sống. Ngoài ra, một yếu tố khác cũng được cân nhắc là cách chúng ta nhìn nhận về thời gian và sử dụng thời gian chúng ta có. Ở các nền văn hóa khác, thời gian chạy tuần hoàn. Nó được xem là chuyển động trong những vòng tròn lớn, không vội vã, và luôn tự mới mình. Trái lại, ở phương Tây, thời gian hẹp hơn. Nó là nguồn lực có hạn; luôn luôn trôi chảy. Chúng ta chỉ có sự lựa chọn là dùng nó, hoặc mất nó. 

Một thế giới bị ám ảnh bởi sự nhanh nhất có thể, nhiều nhất có thể, tốt nhất có thể đã đẩy chúng ta vào những cuộc chạy đua không hồi kết. Liệu điều gì là quan trọng trong cuộc sống của chúng ta? Chúng ta muốn biết góp nhặt càng nhiều thông tin hay muốn hiểu một thông tin được phân tích đầy đủ dưới các góc độ khác nhau? Chúng ta muốn ăn để nhanh no nhưng độc hại hay chúng ta thực sự muốn cảm nhận độ tươi ngon của thực phẩm và biết được nguồn gốc tốt lành của chúng? 

"Một thế giới bị ám ảnh bởi sự nhanh nhất có thể, nhiều nhất có thể, tốt nhất có thể đã đẩy chúng ta vào những cuộc chạy đua không hồi kết."

Bản chất của lối sống chậm

Bản chất của việc sống chậm một lần nữa không nằm ở thời gian hay được đo lường bởi tính cạnh tranh trong mà quan trọng được đo lường bởi chất lượng của từng việc mà chúng ta đang dành thời gian. Bên cạnh đó, lối sống chậm cũng đặt câu hỏi cho cuộc sống của mỗi người về cách chúng ta sống, cảm nhận cuộc sống. Sau hơn một khoản thời gian nghiên cứu về lối sống chậm, nhà báo Carl Honoré mô tả sự chuyển động chậm chạp rằng: "Đó là một cuộc cách mạng văn hóa chống lại quan điểm cho rằng nhanh hơn luôn tốt hơn. Triết lý Chậm không phải là làm mọi thứ với tốc độ như một con ốc sên. Đó là tìm cách làm mọi thứ với tốc độ phù hợp. Tiết kiệm hàng giờ và phút thay vì chỉ đếm chúng". Làm mọi thứ tốt nhất có thể, thay vì càng nhanh càng tốt. Đó là tập trung chất lượng hơn số lượng trong mọi điều, từ công việc đến thức ăn cho đến việc nuôi dạy con cái.

"Triết lý Chậm không phải là làm mọi thứ với tốc độ như một con ốc sên. Đó là tìm cách làm mọi thứ với tốc độ phù hợp."

Bên cạnh đó, nhiều nhận định cũng cho rằng việc sống chậm chỉ hợp với một nhóm đối tượng nhất định. Hay như các phong trào cổ vũ lối sống chậm chỉ phù hợp tại các nước phát triển như Úc, Nhật Bản, Ý,.. Mặt khác, nó không mang bất cứ lợi ích gì đến các nhóm đang phát triển hay đến những thân phận còn phải lo đến miếng ăn mỗi ngày. Bản chất của các phong trào thường bị bóp méo vì chỉ bảo vệ lợi ích của một nhóm nhất định.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ ràng phong trào chậm không được tổ chức và kiểm soát bởi một tổ chức duy nhất. Đặc điểm cơ bản của phong trào chậm là nó được thúc đẩy và duy trì động lực của nó, bởi những cá nhân tạo thành cộng đồng “Chậm” đang mở rộng trên toàn cầu với những sắc thái và hình thức khác nhau. Ở Ấn Độ, phong trào tiêu thụ thực phẩm chậm đã được phổ biến rộng rãi ở nhiều cộng đồng nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và nhận thức trong quá trình tiêu thụ, hướng tới mục tiêu xây dựng những cộng đồng tỉnh thức, bền vững. Thức ăn tiêu thụ tại cộng đồng được thu hoạch trực tiếp tại các vườn, quá trình nấu nướng cũng không dùng các thực phẩm đóng gói hay hóa chất mà tôn trọng hương vị tự nhiên của thực phẩm. Phong trào ăn chậm còn là cách để hồi sinh những minh triết đã ngủ quên bởi cuộc chạy đua hiện đại hóa, phương Tây hóa mà giới trẻ đã chạy theo trong suốt thời gian qua ở Ấn.  

phong trào tiêu thụ thực phẩm chậm phổ biến rộng rãi ở nhiều cộng đồng trên thế giới. Ảnh: Design4users

Ngoài ra, bản chất của sự chậm thường bị xuyên tạc trong nhiều bối cảnh, như cách mà nhiều người bảo vệ sự lười biếng hay trì hoãn của bản thân. Sự tỉnh táo để hiểu biết được bản chất của sự chậm là điều kiện cơ bản để áp dụng và tận hưởng nó trong cuộc sống. Nhà báo Will Hutton, người đã có nhiều bài viết về các phong trào chậm từng thú nhận ông thích ngồi trên máy bay để đến Mỹ hơn là đi bộ và ông thích sống một cuộc sống chất lượng, cho dù nó có ngắn ngủi, hơn là ngồi tận hưởng tuổi già một cách thụ động để được coi là người sống thọ, chơi lâu, ăn nhiều và chết chậm.

Sẽ chẳng ai chọn đối diện với một nỗi đau trôi qua quá chậm, một chặng hành trình hành xác lê lết. Nhưng nếu hiểu ở đây, chậm không được đi đến bằng khung thời gian, mà được tham chiếu bằng cách ta đối diện với cuộc sống, để có một cuộc sống chất lượng hơn, cân bằng hơn. Điểm chung của các phong trào chậm từ ăn uống đến du lịch, đọc sách, đơn thuần là cách để nhắc nhở mỗi người về sự tỉnh thức và hiểu rõ giá trị của từng điều ta chọn lựa.

Các kiểu sống chậm mà mỗi cá nhân có thể áp dụng

Lối sống chậm được diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau chứ không chỉ ở mỗi việc cảm nhận cuộc sống, mà còn ở cách chúng ta biết mình đang tiêu thụ thực phẩm gì, đang hành xử dựa trên sự dẫn dắt nào, chứ không phải lúc nào cũng tuân theo những khuôn mẫu nhất định về việc sống chậm. Với phương châm nâng đỡ một lối sống cân bằng nhiều lợi ích, trang web và cộng đồng Slow Movement giới thiệu những cách mà chúng ta có thể trải nghiệm "sống chậm".

Trường học chậm, giáo dục chậm: Trường học hiện đại đã bỏ quên sự gắn kết giữa học sinh với giáo viên, hay sự gắn kết tự nhiên giữa con người và hệ sinh thái. Trường học chậm cho phép những giá trị quan trọng trong đời sống như mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên được thiết lập lại. Trường học chậm cũng là nơi mà sự sáng tạo, khả năng của người học được đề cao chứ không đo lường bằng điểm số.
(nguồn hình: Unblast) 

Tiền chậm: Được xem như một phong trào nhằm tổ chức để hỗ trợ các nhà đầu tư và các nhà tài trợ hướng các nguồn vốn mới cho các doanh nghiệp thực phẩm nhỏ, trang trại hữu cơ và hệ thống thực phẩm tại địa phương địa phương. Phong trào này nhằm mục đích tạo sự bền vững và phục hồi kinh tế địa phương, tạo ra sự thay đổi và thúc đẩy vận hành nền kinh tế mới.
(nguồn hình: https://www.sloww.co/) 

Phong trào du lịch chậm (Slow Travel)
Phong trào du lịch chậm (Slow Travel)

Du lịch chậm: Là thời gian trải nghiệm dài và đa dạng hơn ở địa phương thay vì những cuộc ghé thăm trong chớp mắt. Du lịch chậm cho phép người lữ hành khám phá nơi mình đặt chân đến trên nhiều phương diện từ văn hóa, lịch sử, truyền thống. Hình thức này cũng tạo cơ hội cho du khách được đi sâu vào đời sống bản địa và tận hưởng một vùng đất trọn vẹn nhất. 
(nguồn hình: tadalp.com) 

Sách chậm: Không còn được đo bằng khối lượng khổng lồ mà mỗi người tiêu thụ. Đọc sách chậm là cách để mỗi người thực sự tắm mình trong kiến thức, tăng sức sáng tạo, tiếp nhận hiểu biết cũng như mở rộng tầm nhìn thực sự từ những minh triết của tác giả. 
(nguồn hình: pngtree) 
 

Tags

Recommended posts for you