Love & Life

Yêu & Cưới: “Đâu cần phải tha thứ cho bằng hết lỗi lầm, mới có thể yêu thương”

Trong bộ phim “Shame” của đạo diễn Steve McQueen thực hiện, nhân vật Brandon do Michael Fassbender thủ vai là một chàng trai trẻ, thành đạt, sống đầy tự hào và hoàn hảo giữa New York phồn hoa. Cuộc sống tưởng như mộng như mơ là thế, nhưng đâu ai biết Brandon là một gã nghiện sex, và hắn liên tục phải tìm đến những cô gái bán hoa, những bộ phim nóng để giải toả dục vọng của mình. Không dừng lại ở đó, Brandon còn không ngại ngần khi đến cả những câu lạc bộ kín, thực hiện những hành vi tình dục vượt trên cả mức bình thường. Anh chìm sâu trong hoan lạc và những cuộc vui xác thịt không hồi kết. Trớ trêu thay, New York lại mang đến cho anh những thứ đó quá dễ dàng. Và trớ trêu hơn thế nữa, là Brandon dần dần như mất đi cảm giác mình cần yêu và được yêu.
person human

Theo dõi xuyến suốt bộ phim, từ đoạn đầu cho đến cao trào rồi kết thúc. Từng phân cảnh đều mang đến cho tôi những cảm xúc và suy nghĩ rất riêng. Nhưng phân cảnh khiến tôi xúc động nhất, đó là khi Brandon không thể quan hệ được với người con gái mà anh bắt đầu cảm thấy có chút cảm tình thật sự. Người mà anh đã cùng cô đi ăn tối, nói chuyện cùng nhau. Anh hỏi cô sau khi li dị chồng rồi, cô vẫn tin vào hôn nhân ư? Vẫn tin vào việc hai con người xa lạ có thể ở chung mái nhà, có thể sống cùng nhau ư? Cô đã nói với Brandon rằng vì cô tin vào tình yêu. Dù cho Brandon có nói những điều tiêu cực hay bài trừ tình yêu, thì riêng cô, cô vẫn tin và cô sẽ đi tìm điều đó.

Biết đâu cô sẽ tìm được tình yêu, và cũng biết đâu cô lại tìm về thất vọng. Thế nhưng, ít nhất cô vẫn đang đi tìm. Còn Brandon, anh đã dừng lại. Cuộc hành trình của anh đã dừng lại. Anh không đi tìm gì nữa. Không đi tìm tình yêu. Không đi tìm lý tưởng. Không đi tìm một niềm tin. Dục vọng đến với anh dễ dàng ở mọi góc đường New York hoa lệ, và chính nó cũng nuốt chửng lấy tâm hồn anh.

Phân cảnh Brandon không thể “lên” với cô gái anh bắt đầu thấy yêu ấy đã khiến tôi thấy đau lòng nhất và ám ảnh nhất. Phân cảnh đó có thể từng là / là bất cứ ai trong chúng ta. Có một điều gì đó đã mất đi ở bên trong. Một tâm hồn với một lỗ hổng to lớn khiến ta sợ hãi và hoang mang mỗi khi nó dấy lên một nhịp yêu thương. Chúng ta không phải lo lắng rằng mình sẽ không chịu nổi cảm giác ấy. Mà chúng ta bị chôn sống bởi thứ cảm giác bất lực và cùng cực của một kẻ tội đồ. Một con người lầm lạc cả cuộc đời, thì ngay khoảnh khắc họ muốn quay trở lại con đường đúng đắn, thứ đầu tiên họ phải đối diện chính là sự xấu hổ trước những lỗi lầm của bản thân. Và khi tình yêu ta dành cho một ai đó càng lớn lao, mãnh liệt, thì nỗi dày vò đó lại càng nặng nề hơn và khứa sâu hơn. Và bất hạnh thay, nó (có thể) lại một lần nữa kéo ta ra xa khỏi bến bờ lẽ ra ta nên cập bến. Bởi ta mất đi niềm tin rằng hạnh phúc vẫn còn chỗ cho những kẻ như ta.

Tahir Ibn Maqbool.jpeg
(Tahir Ibn Maqbool)

Tôi từng viết rất nhiều bài thơ và những câu truyện ngắn về những người trẻ lạc lối giữa thị thành lấp lánh. Tôi rất thích cụm từ ấy – “thị thành lấp lánh” – Lấp lánh thứ ánh sáng của sự hào nhoáng, xa hoa. Nó khiến người ta loá mắt đi để rồi họ cứ dần đi lạc lối. Thế nhưng bộ phim Shame lại khiến tôi băn khoăn, việc đi lạc lối nhưng việc mãi mãi buông trôi mình theo dòng chảy ấy, không thể trở về vì không thể tha thứ cho bản thân thì điều gì đáng sợ hơn?

Trong tình yêu và hôn nhân, mọi người hay thường có quan niệm rằng ta tìm đến nhau để hàn gắn cho nhau. Điều đó chỉ đúng một nửa, bởi vì chúng ta cần học cách dũng cảm mở chiếc cửa kia ra, để người yêu ta có thể bước vào đống hoang tàn đổ nát bên trong mình. Những nỗi ân hận rồi sẽ sâu xé, những mặc cảm, xấu hổ sẽ thét gào lên. Cuộc chiến sẽ thật sự bắt đầu khi cuộc đời chúng ta xuất hiện một người ta muốn yêu thương và bảo vệ. Và ta buộc phải vượt qua được những ám ảnh và dày vò trong bản thân.

979d9c6e34a164a8acdcd78a39c634eb.webp
Laura Moyer.jpg
(Laura Moyer)

Nói đến đây, tôi lại nhớ đến nhà văn người Nhật – Banana Yoshimoto. Bà cũng đã chọn chủ đề này để viết nên tiểu thuyết Hồ. Khác với Kitchen, Hồ của Yoshimoto không đào sâu về việc những mảnh đời vỡ nát tật nguyền tìm đến với nhau nữa. Mà là một mảnh vỡ tìm đến một vết rạn và vô tình chúng đã tự hàn gắn cho nhau, giúp nhau chấp nhận sự tan vỡ của chính mình.

Cuộc đời của Nakajima là một mảnh vỡ. Vỡ nát tưởng chừng không thể hàn gắn, từng mảnh vụn ấy cứ khứa vào từng mạch máu, tế bào khiến hắn không thể nào có thể sống một cuộc đời như bao người khác. Với một vết thương về ký ức khủng khiếp trong quá khứ và nỗi dằn vặt không thể bôi xóa. Hắn gần như là một linh hồn tật nguyền tồn tại một cách đáng thương trong thế giới loài người. Nhưng rồi hắn gặp Chihiro, cô là một vết xước. Cô tự cào cấu lên cơ thể mình những vết thương do chính sự khác biệt giữa cô và khu phố nghèo nơi cô sinh ra và được nuôi lớn. Vết rạn... có khi nó còn khủng khiếp hơn cả một cái gì đó đã vỡ tan. Như Nakajima, hắn biết hắn đã vỡ nát. Còn Chihiro, cô mãi chẳng biết khi nào thì tới phiên mình bị vỡ vụn. Cảm giác chực chờ như thế. Chẳng phải còn khủng khiếp hơn ư?

Nhưng rồi đống vỡ vụn và vết rạn vô tình tìm về nhau. Đống vỡ nát cảm thấy rằng sẽ chẳng sao nếu cứ sống cuộc đời là vô số những mảnh vỡ, nhưng may mắn làm sao khi mỗi vết thương lại là một hồi ức. Còn Chihiro, từ một vết nứt đang đợi ngày vỡ tan bỗng dưng đã tìm thấy cho mình lí do để được sống hạnh phúc, để chấp nhận những rạn nứt cũng được xem là một vẻ đẹp mà cuộc đời và số phận đã nhào nặn lên. Vết nứt mỗi người mỗi khác, nối đau mỗi người một vẻ, nhưng khi đã cảm thông và chấp nhận cho chính vết nứt của chính mình thì chúng đều mang một vẻ đẹp chung. Phải chăng chỉ khi chúng ta chạm vào nỗi đau của người khác một cách chân thành và sâu nhất. Thì mới biết thật sự trân trọng những gì mình đang có? Có lẽ là vậy thật. Vì lạ lùng thay, một người không còn gì ngoài tàn dư của quá khứ như Nakajima lại khiến cho Chihiro nhận ra rằng cuộc đời của cô hóa ra vẫn còn nhiều ý nghĩa.

9f037bf6271282e8a190c9ac97aac83a.webp

Còn về phần Nakajima, ngày mà hắn quyết định tìm về gặp Mino và Chii. Hai người bạn thơ ấu năm xưa. Người hiểu rõ nhất những nỗi đau của hắn, đó cũng là lúc hắn đã chấp nhận rằng hóa ra việc làm một mảnh vỡ, làm một đống tàn dư cũng không có gì là quá khủng khiếp.

Vì...

"Đâu cần phải tha thứ cho bằng hết lỗi lầm mới có thể yêu thương..."

Nakajima, hắn đã tha thứ cho quá khứ của mình và tha thứ cho chính chắn. Cũng như Chihiro, cô đã bằng lòng tha thứ cho những vết nứt trong chính tâm hồn mình.

"Ánh sáng mà lớn. Thì bóng tối đối lập với nó cũng lớn".

Tương tự. Nỗi đau càng sâu. Thì khi có trong tay một vài giọt hạnh phúc, cũng đủ để khiến ta tưởng như đó là một ngân hà.

Tôi tin ai cũng có những lỗi lầm, những phút lạc lối của tuổi trẻ để rồi nó mãi mãi là một vết hằn khiến ta muốn quên đi. Thế nhưng, “đâu cần phải tha thứ cho bằng hết lỗi lầm mới có thể yêu thương”. Yêu thương là một hành trình dũng cảm. Chúng ta không thể biết thật sự yêu thương một người nếu không biết yêu và tha thứ cho chính mình. Lòng trắc ẩn là điều không thể thiếu trong mỗi mái nhà, mỗi cuộc hôn nhân, nhưng nếu không thực hành lòng trắc ẩn đó lên chính lỗi lầm của chúng ta, thì làm sao ta biết cảm thông và yêu thương người khác?

Như tôi đã nói đó, không có hành trình nào dễ dàng. Nhưng trong một vài khắc ngắn ngủi thôi, dẫu chỉ thoáng qua, tôi mong tất cả chúng ta đều có thể nhớ rằng sau lưng vẫn luôn có những ánh mắt ấm áp, họ đang nhìn cái dáng cúi người đang đi của chúng ta bằng tất cả yêu thương và niềm tin tuyệt đối.

Ilona Rybak.jpg
(Ilona Rybak)

Bài: Trịnh Nam Trân

Recommended posts for you