Sinh viên thời trang và sàn diễn tốt nghiệp đậm sắc thái truyền thống
Từ nghề truyền thống mây tre đan Việt Nam, làng nghề khảm trai Việt, hình ảnh dân tộc Hà Nhì Đen, cho đến tranh hội hoạ dân gian Việt, sàn diễn tốt nghiệp của sinh viên đại học Tôn Đức Thắng đã mang đến những góc nhìn vừa quen thuộc vừa mới lạ đến với giới mộ điệu, minh chứng rõ ràng cho những cố gắng tìm hiểu về quê hương và nguồn cội của lớp trẻ.
Chúng ta đã từng không ít lần nhắc về những làng nghề truyền thống, sự giao thoa giữa quá khứ và hiện đại thông qua kỹ thuật nhuộm vải, tạo hoa văn và L'OFFICIEL cũng đã từng đưa ra rất nhiều bài viết, dự án cũng như tài trợ những chuyến đi giao lưu học hỏi nhiều ngày để hiểu hơn về giá trị truyền thống cho những cá nhân tài năng. Như vậy, những gì mà sinh viên đại học Tôn Đức Thắng khai thác cho đồ án cuối cùng của mình là một kết quả minh chứng cho ý thức hướng về giá trị truyền thống của thế hệ trẻ, làm mới nguồn di sản xưa cũ bằng góc nhìn đương đại. Nhìn chung, đây là một đề tài không bao giờ cũ, luôn đi cùng với thời gian nhưng cũng là một bài toán khó đối với những cá nhân chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy vậy, thành quả của đồ án tốt nghiệp năm nay vẫn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người xem, ví dụ như BST Mây cài nét ngọc của Võ Lê Thuỳ Vân khai thác hình ảnh mây tre đan từ nhiều góc khác nhau, Lúng Lính của Nguyễn Việt Hương sử dụng phương pháp thêu lắc tay, thêu nổi, đính kết xà cừ,.. hay bình dị hơn khi chọn đề tài gia đình làm nguồn cảm hứng như Ươm Ấm của Vũ Thị Ngọc Bích. Có thể thấy, để có một đề tài hay, người sáng tạo không cần tìm kiếm những hình ảnh quá xa rời thực tại mà chỉ cần biết chắt lọc từ trong những kí ức và trải nghiệm riêng của mình. Tính chân thực và quen thuộc thông qua cách khai thác mới lạ sẽ là điểm nhấn hoàn hảo để thu hút sự chú ý và để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của người xem.
Lúng Lính lấy ý tưởng từ làng nghề khảm (cẩn) xà cừ hay còn gọi là khảm trai của Việt Nam. BST sử dụng phương pháp thêu lắc tay, thêu nổi, đính kết xà cừ, đắp xà cừ bên cạnh đó còn sử dụng phương pháp khảm truyền thống lên gỗ nhằm truyền tải chân thật ý tưởng và giúp người xem cảm nhận rõ hơn về nghệ thuật khảm xà cừ (khảm trai) của Việt Nam.
Bộ sưu tập "Ươm Ấm" lấy cảm hứng từ bố mẹ với góc nhìn cá nhân từ các thói quen sinh hoạt, sở thích và các món đồ dùng quen thuộc của gia đình từ cái mũ làm vườn của ba cho đến chiếc đồng hồ kỷ niệm của mẹ.
BST "U Ní" của Tiêu Thanh Cẩm Quyên mượn hình ảnh đẹp của trang phục dân tộc Hà Nhì Đen để làm nguồn cảm hứng. Trong đó, Quyên đưa các chi tiết như mây vờn, sóng nước trong phom dáng hiện đại. Gam màu chàm đặc trưng được khai thác triệt để cộng hưởng cùng lối trang trí hoa văn bằng các chi tiết hình học tô đậm nên bức tranh giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.
Có phần khác biệt hơn cả là BST Mảnh của Lệ Quyên khi chọn cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống nhật Bản. BST tái hiện những tổn thương vụn vỡ được chữa lành, trân trọng và hàn gắn chúng thông qua những đường nối vàng tuyệt hảo. "Tôi muốn đưa vẻ đẹp của sự bất toàn, biến những điều vụn vỡ thành những sáng tạo độc đáo vào bộ sưu tập tốt nghiệp của mình, khi đó những vết nứt không còn là khuyết điểm cần che giấu."
Cùng với tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống đã góp phần rất lớn tạo nên nét độc đáo có một không hai bởi sự đa dạng, sâu sắc, vẻ đẹp rực rỡ của tranh dân gian Việt Nam. Đã có khá nhiều tranh Hàng Trống đạt mức kiệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam. Từ nội dung, hình thức đến chất liệu, tranh Hàng Trống mang màu sắc đặc trưng riêng của Hà Nội, nhưng cũng rất Việt Nam, không thể trộn lẫn. "Vì muốn hiểu hơn về dòng tranh dân gian này cũng như góp phần giữ gìn những nét truyền thống của dân gian nên mình đã lấy ý tưởng từ hình tượng Cá Chép trong tranh dân gian Hàng Trống làm ý tưởng cho đồ án lần này." - Bảo Trâm chia sẻ.
Mây cài nét ngọc lấy ý tưởng từ nghề truyền thống mây tre đan Việt Nam trong ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ theo cách nhìn, cảm nhận về vẻ đẹp nghề truyền thống của NTK, đồng thời bảo vệ và gìn giữ lại nét đẹp truyền thống đang dần bị mất đi thông qua cách diễn đạt bằng ngôn ngữ thời trang.
Như vậy, những gì sinh viên thời trang mang đến trong mùa này đa phần là những dấu ấn khai thác từ vẻ đẹp bình dị, là những kí ức và cảm xúc sâu thẳm từ bên trong. Sau cánh cửa Đại học vẫn còn nhiều thử thách và trải nghiệm mới phía trước, chúc các tân cử nhân thời trang sẽ sớm là cái tên được giới mộ điệu Việt săn đón.