[Ô by L'OFFICIEL 2024] NTK Phan Huy và những vùng đất vị lai phía sau bóng tối
Hoá ra cái chết không đáng sợ, ta hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa và dung dưỡng một tâm hồn trong lành, vì biết đâu tâm hồn ta chính là cõi bình yên mà ta sẽ về.
NTK Phan Huy đã thành công đưa tư duy thiết kế của mình đến với kinh đô thời trang Paris, trong một ngày cuối thu của tháng 9. Trùng hợp thay, ý niệm và thông điệp của bộ sưu tập lại có thể dễ dàng liên tưởng đến chủ đề của Ô Exhibition 2024 - HOPE. Và như câu đề tựa trên, đó là một cánh đồng yên ả bạt ngàn, có hoa thơm, có cánh côn trùng tung tăng bay cùng những nụ cười mãn nguyện. Bộ sưu tập được chia thành hai phần, phần một diễn tả những ảo ảnh huyền bí về cái chết, phần hai lại hoá hư vô đi vào vùng đất hứa vĩnh hằng. Từ tối đến sáng, sắc màu của hy vọng, theo Huy là những gam màu pastel nhẹ nhàng, hoà lẫn vào nhau, như một cánh đồng ở hành tinh xa xôi có hương sắc hồng, vàng, tím, xanh... mộng mơ. Đó là những gam màu khi nhìn vào sẽ tạo nên một nguồn năng lượng tích cực.
Nhìn chung, sản phẩm của PHAN HUY mang đậm tính thủ công và cách xử lý chất liệu cũng như phom dáng nổi bật. Ấn tượng nhất là kỹ thuật tạo ra bề mặt chất liệu 3D, từ phụ liệu như bảng lưới đàn hồi, hay những tấm vải vụn hoàn toàn có thể tạo nên chất liệu mới và có tính thẩm mỹ cao, được phát triển dựa trên nền vải cũ. Từ sự cầu kỳ và tỉ mỉ trong cách tiếp cận thời trang, Phan Huy lấy đó làm cốt lõi và tiến ra thị trường quốc tế. Mặc dù chỉ vỏn vẹn hơn một năm, hành trình của PHAN HUY vẫn để lại nhiều ấn tượng cho những tín đồ thời trang Việt.
Chúc mừng Phan Huy đã có một sàn diễn thời trang thành công tại nước bạn, kể từ khi được biết đến với bộ sưu tập tốt nghiệp cho đến khi được trải nghiệm trên sàn diễn quốc tế, bài học lớn nhất mà Huy đã rút ra cho mình trong thiết kế là gì?
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong thiết kế, đối với bản thân Huy là yếu tố cân bằng. Cân bằng ở nhiều khía cạnh, ví dụ như cân bằng ở tính phức tạp và tính tối giản ở mỗi thiết kế, giữa yếu tố thương mại và nghệ thuật, yếu tố thị hiếu và chuyên môn,... Khi chúng ta làm tốt sự cân bằng trong thiết kế của mình, nó sẽ mang đến những thiết kế có sức nặng vừa đủ và tạo ra được những góc nhìn dễ chịu cho thiết kế của PHAN HUY.
Dường như thị trường thời trang vẫn chưa ưu ái những thương hiệu mang tính thiết kế cao, nhất là đối với sản phẩm thủ công có giá thành khá cao. Với kinh nghiệm của mình, để có thể cạnh tranh trong địa hạt thời trang Việt, một thương hiệu thiết kế cần có những yếu tố cơ bản nào?
Tất nhiên, sản phẩm tại PHAN HUY không phải là dòng sản phẩm phù hợp với đại chúng hay linh hoạt dễ ứng dụng ở nhiều ngữ cảnh khác nhau. Tuy nhiên, PHAN HUY may mắn đã có nhiều khách hàng hiểu và trân trọng những công sức cũng như giá trị cốt lõi của sản phẩm. Chính vì vậy Huy nghĩ rằng điều tiên quyết nhất vẫn nên đến từ sự tâm huyết, bên cạnh đó cũng cần tạo ra sản phẩm chất lượng và có yếu tố duy mỹ. Từ đó, công sức của mình sẽ được đền đáp và công nhận.
Đã có bao giờ Huy cảm thấy bế tắc trong quá trình sáng tạo không? Trong thế giới đầy biến động như hiện tại, nguồn cảm hứng nào thường sẽ giúp Huy có thêm nhiều hy vọng và động lực hơn?
Khi bắt tay vào làm một bộ sưu tập mới thì sẽ luôn có rất nhiều nguồn cảm hứng xung quanh. Nhưng sau đó, trong quá trình sáng tạo dựa trên ý tưởng đã chọn thì phải trải qua 6 đến 8 tháng, chung quy là trong khoảng thời gian rất dài để tạo nên một bộ sưu tập hoàn chỉnh. Khi đó, mình có thể sẽ cảm thấy chán và bắt đầu có suy nghĩ từ bỏ với ý tưởng mà mình từng nhiệt huyết ban đầu. Những lúc đó thì mình cần phải lý trí, không để sự bế tắc và loay hoay của mình làm trễ tiến độ. Kinh nghiệm là kiên trì với ý tưởng ban đầu của mình, sử dụng kinh nghiệm và kiến thức có sẵn để tạo ra những thiết kế mình cảm thấy tâm đắc.
Nếu có thể kể ra, giới hạn duy nhất của Huy trong quá trình thực hành thiết kế thời trang là gì? Cách để biến nó thành hy vọng?
Đó là một câu hỏi luôn khiến Huy trăn trở “Tại sao mình không làm tốt hơn?”. Trong thời gian đầu Huy luôn loay hoay và nhận ra những điều mình chưa làm tốt. Nhưng sau đó, trong vài khoảnh khắc, mình đã nhận ra mình sẽ luôn luôn không bao giờ thấy mình tốt, vì nếu mình biết mình đã làm tốt nhất rồi, thì đó là giới hạn của mình và mình không bao giờ làm tốt hơn được nữa. Cho nên mình hãy cứ ngây ngô và cố gắng hết mình.