The Art of Copying: Tinh thần thời trang thập niên 90
Những bộ sưu tập xuân hè 2021 ra mắt vào tháng 10 năm ngoái mang chúng tôi đến vùng đất hoài niệm đầy bình yên và vẫy gọi. Những năm 1990 là thời điểm khi sự liều lĩnh càng được kích hoạt đến rung chuyển bởi tinh thần nổi loạn mang tinh thần nhạc rock và điện tử được phản ánh trong những món đồ thiết yếu từ tủ quần áo. Sự khởi đầu đặc biệt gắn với bộ sưu tập của Raf Simons và Miuccia Prada cho nhà mốt Milan: những chiếc váy ngắn ba lỗ có màu hồng phấn hay bộ quần dài và áo sơ mi đen hoặc vàng nhạt được cải tiến với kiểu dây nịt xếp nếp, lớp phủ và khối lượng được thực hiện cẩn thận, áo len dệt kim nhẹ với đường cắt tinh xảo, hay sự trở lại của logo...
Thậm chí xa hơn nữa, bộ đôi này mang đến những bản in hình vẽ hơi hướng pop thập niên sáu mươi vào bộ sưu tập thu đông 1996 của Prada bằng cách thể hiện chúng trên những chiếc váy xếp li lớn kết hợp với áo hoodie. Sau đó là màn ra mắt của những bộ trang phục lúc có màu neon, lúc mang sắc trầm và với những đường cắt đơn giản đặc trưng phong cách nhà thiết kế Daniel Lee từ thương hiệu Bottega Venetta, rồi đến sự xuất hiện của những chiếc áo sơ mi polo có khóa kéo kết hợp với quần ống rộng cạp thấp ở hông từ nhà mốt Coperni, hay bộ vest đen lịch lãm kết hợp với áo lót da từ nhà mốt Hermès, hoặc thậm chí một loạt mẫu váy dây quai mảnh, tất cả gắn với những giờ phút đẹp nhất của Kate Moss trên sàn diễn của Paco Rabanne, Jil Sander, N ° 21 hoặc Gabriela Hearst. Sự thuần khiết được tôn vinh và tinh thần "bữa tiệc rave" của thời trang những năm chín mươi dường như chưa bao giờ quá xa vời với bối cảnh hiện tại.
Bộ sưu tập đầu tiên của nhà thiết kế người Mỹ Matthew Williams cho nhà mốt Givenchy đã phản ánh hoàn hảo điều này. Nếu sự quyến rũ thoạt nhìn có vẻ rất tỉnh táo được thể hiện qua những bộ vest màu be hoàn hảo, những chiếc váy nhỏ ôm sát cơ thể hoặc những chiếc váy hở lưng táo bạo, thì sự bất cần thể hiện qua những sợi dây xích dày đeo quanh cổ hay trên tay cầm của những chiếc túi, qua chiếc áo tuyn trong suốt mặc với quần soóc đen xắn gấu, qua những mảnh vải da nứt nẻ hoặc qua đôi giày thể thao hay giày bệt đính đá. Ngôn ngữ thời trang sẽ trở nên thiếu sót nếu vắng bóng Helmut Lang, một nhà thiết kế hàng đầu của Áo những năm 1980 và 1990, người đã từ giã sàn diễn vào năm 2005. Với tầm nhìn xa trông rộng, trong suốt sự nghiệp của mình, anh đã đoán trước được tính xã hội chủ đạo trong các bộ sưu tập do mình thiết kế: ưu thế của sự lưỡng tính, tầm quan trọng tăng cao của đồ thể thao, mối quan tâm với vải kỹ thuật và vật liệu kết hợp. Dù đã chuyển hướng sang nghệ thuật và ngày càng thể hiện “cái tôi” với nghệ thuật nhưng anh đã có dịp quay trở lại thế giới thời trang vào tháng 11 năm ngoái bằng việc hợp tác với nhà mốt Saint Laurent cho một loạt tác phẩm điêu khắc.
Với Éric Briones, tác giả của cuốn sách Sang trọng và Kiên cường: chìa khóa để phục hồi khi đối mặt với khủng hoảng (nhà xuất bản Dunod), mối quan tâm mới đến mỹ học của những năm 1990 là điều dễ hiểu: “Chúng ta có thể nói rằng nó gần như đã được viết ra. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, sức khỏe hay chính trị, giống như cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua ngày nay, tính “không sang trọng” càng lên ngôi. Điều này giống như phản ứng với sự điên rồ của thế giới vậy. Cuộc khủng hoảng năm 1929 chứng kiến sự lên ngôi của nhà mốt Coco Chanel, và Chanel lúc đó tập trung chủ yếu vào màu đen, sự tự do di chuyển, sự thoải mái của trang phục ... Đã đến lúc chúng ta khám phá lại sự thuần khiết của những năm 1990 và quay trở lại với những điều cần thiết và quan trọng nhất. "
Theo đó, màu sắc nên mang đến cảm giác kín đáo hơn, đường cắt nên thiết thực và tiện dụng hơn, trang phục nên có sức bền hơn. Theo Serge Carreira, giáo sư đại hộc Sciences-Po và chuyên gia về thời trang và tính sang trọng: “Các cuộc khủng hoảng tạo ra những nhu cầu thiết yếu và mong muốn có được sự tỉnh táo. Đối với quần áo cũng vậy, chẳng hạn chúng tôi ưu tiên sự thoải mái của các loại vải và đường cắt. Do đó, chủ nghĩa tối giản đáp ứng hoàn hảo cho những khoảnh khắc bất định mà chúng ta đang trải qua. " Chẳng mấy khó khăn để tìm thấy trong các bộ sưu tập hiện tại tinh thần của những buổi tiệc tùng “rave”: “Nó thể hiện một hình thức của chủ nghĩa cấp tiến, một thứ được thay thế để đối phó với sự thừa thãi. Điều này gián tiếp đề cập đến việc chối từ sự hời hợt. Ngoài ra, những thành viên của bữa tiệc rave luôn có mối quan hệ đặc biệt với cơ thể thông qua những vũ điệu. Quần áo cũng tương tự, chúng cho phép bạn làm chủ cơ thể của mình,”chuyên gia này chia sẻ. Quyết định rút lui khỏi tất cả các trang mạng xã hội của Bottega Venetta mới đây cũng là một phần của chủ nghĩa cực đoan chống lại những trào lưu hiện thời. "Chúng tôi cũng thấy ở đây một sự bác bỏ thông tin tràn lan, một mong muốn giảm nhẹ tác động của chúng," Eric Briones nhận xét.
Có nhiều nhà thiết kế sinh ra và lớn lên trong khoảng thời gian những năm 1990, vì vậy không ngạc nhiên khi các nhà thiết kế ngày nay muốn phục hồi lại chính thời kỳ đánh dấu quá trình trưởng thành của họ. Ở tuổi 35, Matthew Williams, giám đốc nghệ thuật của Givenchy, người lớn lên ở California. Anh thường xuyên đến các công viên trượt băng và nghe DJ địa phương chơi nhạc. Trong một cuộc phỏng vấn với ấn phẩm Le Figaro vào tháng 10 năm ngoái, anh nói mình tiếp thu định nghĩa về sự sang trọng từ Martin Margiela, một nhân vật có tên tuổi khác của thời trang trong những năm 1990: “Chất lượng, sự thoải mái và trường tồn theo thời gian”, từ đó anh bổ sung thêm một điểm nữa là trách nhiệm với môi trường và cảm hứng dành cho thế hệ mới.
Đối với Leyla Néri, giám đốc khoa thạc sĩ về Thiết kế thời trang và Nghệ thuật tại trường thời trang Parsons Paris, những sinh viên hiện tại đặc biệt quan tâm đến thời trang từ những năm 1990. “Những sinh viên này đặt ra rất nhiều câu hỏi về những thiết kế của Helmut Lang hay Raf Simons. Hai nhà thiết kế này được họ tham khảo và được coi là những nhà thiết kế mang tính biểu tượng, và đặc biệt, họ được truyền cảm hứng bởi tầm nhìn của Helmut Lang: không tạo ra các bộ sưu tập mà tạo nên một tủ đồ. Helmut Lang muốn may quần áo cho những người bình thường, và may những món đồ có thể phục vụ họ trong cuộc sống thực. Đây là lý do tại sao chúng tôi tìm thấy khía cạnh thực tiễn trong công việc của anh ấy. Thêm vào đó, chủ nghĩa tối giản không có giới tính, và điều này đặc biệt tương đồng với mối quan tâm của sinh viên ở đây. "
Di sản của những nhà thiết kế như Helmut Lang khơi dậy không chỉ những nguồn cảm hứng thiết kế, mà còn niềm đam mê. Đây là trường hợp của David Casavant, 30 tuổi, người New York, người đã xây dựng bộ sưu tập các tác phẩm của Helmut Lang trong nhiều năm đến mức gây bất ngờ với ngay cả những người hâm mộ Helmut cuồng nhiệt nhất. “Tôi hiện có vài nghìn mẫu thiết kế, chúng gần như lấp đầy căn hộ của tôi,” anh cười. “Tôi bắt đầu việc sưu tầm khi còn là một thiếu niên từ e-bay. Tính thẩm mỹ tối giản của nó phù hợp với tính cách khá kín đáo của tôi. Tôi lần theo những mảnh ghép mình đã bỏ lỡ để ghép thành những bộ sưu tập hoàn chỉnh, hết mùa này sang mùa khác. Internet thực sự có ích khi giúp những người quan tâm nói chung và người làm sáng tạo nói riêng tìm kiếm ảnh bộ sưu tập từ nguồn trực tuyến. Đó cũng là những hình ảnh phản chiếu chính chúng tôi." Và sự quan tâm dường như không hề giảm đi, David Casavant hiện sống một phần từ việc cho thuê những món đồ trong bộ sưu tập của mình cho các sự kiện đặc biệt, các buổi quay phim hay đơn giản là cho cuộc sống hàng ngày. Như chính Helmut Lang từng hình dung.
Bài: MAUD GABRIELSON
Chuyển ngữ: VÂN ANH