Documentary

Digital Fashion (kỳ 5): I Quần áo kỹ thuật số có phải biên giới tiếp theo của thời trang?

Không phải tất cả chúng ta đều sẽ bắt đầu mua quần áo ảo vào năm 2021. Nhưng thế hệ kỹ thuật số bản địa - những đứa trẻ nhìn ra thế giới qua màn hình và thấu kính công nghệ, giao tiếp bằng social media và “sống” rất nhiều cuộc đời trong thế giới pixel - không còn xa lạ với việc mua sắm quần áo kỹ thuật số cho các nhân vật đại diện trong xã hội ảo của họ. 
clothing apparel sleeve person human long sleeve

Con người đã đi từ nhu cầu che thân giữ ấm, phân chia cấp bậc xã hội qua y phục, cho đến mục đích thể hiện giá trị thượng lưu. Con người đã tạo ra cuộc cách mạng thời trang nữ quyền, kêu gọi chủ nghĩa tối giản, thúc đẩy phong trào thời trang bền vững, và giờ đây, khởi động kỷ nguyên Thời Trang Kỹ Thuật Số - Digital Fashion. Quá trình less is more về mặt vật lý và more is more về mặt kỹ thuật số đang diễn ra cùng một lúc. Nếu đây là một trang mới nối tiếp chủ nghĩa siêu tiêu thụ trong thời trang, “nội dung” sẽ do chúng ta tự tạo ra, sử dụng, thừa hưởng và chịu trách nhiệm. Để tránh tác động đến môi trường mà vẫn thể hiện bản sắc cá nhân thông qua thời trang, thay vì chạy theo lớp vỏ vật chất, chúng ta có thể tìm kiếm những vỏ bọc ảo “vừa vặn” hơn.

Ở hiện tại, từ nhà thiết kế thời trang ảo Aliona Pole, nhà tiên phong Thought Couture - The Fabricant, nhà bán lẻ hàng may mặc kỹ thuật số Carlings, đến các thương hiệu theo đuổi chủ nghĩa tương lai còn kín tiếng và cả các nhà thời trang có lịch sử trứ danh…đều đang trên hành trình phiêu lưu, khám phá một kỷ nguyên Digital Fashion còn hoang sơ với những chân trời sáng tạo chờ được khai phóng. Trên con tàu công nghệ di chuyển giữa thế giới ảo và thực, thời trang kỹ thuật số cho phép vượt ra ngoài các định luật vật lý và phá vỡ lối mòn tư duy, trạm dừng duy nhất chính là giới hạn của trí tưởng tượng. 

Dường như, trong thế giới thời trang luôn có rất nhiều người vô tình sinh ra ở thế kỷ XX, nhưng ngày càng trào dâng “nỗi nhớ” tha thiết đối với tương lai, giống như lý tưởng của nhà Xuyên Nhân Học nổi tiếng FM-2030 [*1]. Dường như, không lâu nữa, những công dân toàn cầu sinh ra trong thời đại kỹ thuật số sẽ “diện” tương lai lên người và tương lai sẽ tới nhanh hơn nữa.

Cuộc phiêu lưu đã bắt đầu từ bao giờ?

Năm 2020, việc chuyển đổi từ tư duy vật lý sang kỹ thuật số chưa bao giờ thể hiện một cách rõ ràng như vậy. Ngày càng xuất hiện nhiều các cuộc thảo luận thời trang đề cập đến các thuật ngữ công nghệ AR, VR, MR, XR...Tất cả nghe có vẻ cường điệu và lý tưởng hoá, nhưng từ lâu đã thâm nhập vào thế giới thời trang kể cả phân khúc bán lẻ hay xa xỉ, dù mang tính thương mại thực dụng hay hướng đến ý tưởng nghệ thuật sâu xa. 

Kỷ nguyên Digital Fashion là kết quả của một cuộc cách mạng bền bỉ, được nhen nhóm và chờ đợi từ rất nhiều năm trước. Dưới áp lực của khủng hoảng Covid-19, việc sử dụng VR và AR để tăng cường trải nghiệm khách hàng được đẩy mạnh và dự báo trở thành top xu hướng nổi bật trong thời trang tương lai. Nhưng thật ra, cuộc cách mạng công nghệ thời trang đã khởi động từ thế kỷ trước, trải qua vô số thử nghiệm trong quá khứ cho đến khi đạt được kết quả đang mong đợi như ở hiện tại, đặc biệt là trong vài năm trở lại đây. 

Tháng 3/2019, để mang tới một trải nghiệm thú vị cho sự ra mắt phiên bản mới của mẫu đồng hồ J12 mang tính biểu tượng, Chanel đã đặt hàng Mattrunks Studio tạo ra một ứng dụng tương tác VR làm nổi bật 3 chủ đề đặc trưng của J12: gốm hiệu suất cao, ô tô và cánh buồm. Từ đó đến nay, các thương hiệu trang sức và đồng hồ như Tissot, Tiffany & Co, Tacori, Helzberg Diamonds...đã tiếp cận AR/VR để mang lại sự đổi mới và tối ưu quy trình bán hàng của mình. 

Chanel J12 VR Interactive Experience. Nguồn: Mattrunks.studio
Chanel J12 VR Interactive Experience. Nguồn: Mattrunks.studio

Tháng 4/2019, cú bắt tay của Moschino và Electronic Arts không chỉ đem lại BST cảm hứng The Sims đầy hoài niệm [*2], các fan của trò chơi tuổi thơ nổi tiếng này còn có thể mua sắm hàng hiệu Moschino cho avatar của mình trong game. Cuối tháng 6/2019, Gucci gửi ra một thông cáo báo chí, giới thiệu tính năng “thử giày” vừa được bổ sung vào ứng dụng của thương hiệu, từ đó cho phép khách hàng trải nghiệm AR trên những mẫu giày Ace sneakers. Nike cũng đã tạo ra NikeFit, một ứng dụng sử dụng body scanner để tìm các mẫu giày thể thao. Và Puma LQD Cell Origin Air 2019, được bao phủ bởi QR Codes để mở khoá một loạt các trải nghiệm AR thông qua ứng dụng chuyên dụng, trở thành đôi giày thể thao AR đầu tiên trên thế giới.

Puma LQD Cell Origin Air 2019. Nguồn: Puma
Puma LQD Cell Origin Air 2019. Nguồn: Puma

Từ tháng 9/2019 đến đầu năm 2020, NTK Nicolas Ghesquière lãnh đạo dòng thời trang nữ của Louis Vuitton đã ra mắt skin Prestige Louis Vuitton cho các nhân vật trong game League of Legends. Cũng trong năm 2019, một creative agency đến từ Berlin - Selam X đã tạo ra một ứng dụng AR cho Vetements, khiến các khách hàng Millennials và Gen Z của thương hiệu rất hào hứng chia sẻ trải nghiệm thú vị này trên mạng xã hội. 

Skin Prestige Louis Vuitton, League of Legend. Nguồn: Riftherald.com
Skin Prestige Louis Vuitton, League of Legend. Nguồn: Riftherald.com

Thương hiệu Zara đã từng giới thiệu trải nghiệm AR tại 7 trong số các cửa hàng ở Mỹ từ tháng 4/2018. Trước đó, vào năm 2016, thương hiệu mỹ phẩm trang điểm Sephora được biết đến như một nhà tiên phong ứng dụng công nghệ “virtual try on”. Ứng dung Modiface Mirror cho phép khách hàng thử các shade khác nhau của bóng mắt và son môi chỉ bằng một nút chạm. Tháng 3/2017, thương hiệu tung ra tính năng “Virtual Artist” như một bản cập nhật cho ứng dụng của mình. Trong vòng vài năm, ngành bán lẻ thời trang và mỹ phẩm đã có hàng loạt ứng dụng công nghệ được phát triển, như Virtual Catwalk của Asos, DressingRoom của Gap, ModiFace của L'Oreal…

Thời trang thập niên 20 sẽ như thế nào? 

Roaring hay Silent? Thập niên 20 của thế kỷ XXI, lại là những năm 20 gào thét hân hoan, đánh dấu một kỷ nguyên vàng son trong lịch sử thời trang? - Hay chỉ là những năm 20 thinh lặng, chứng kiến một sự tiến hoá âm ỉ trong thời trang? Không phải tất cả chúng ta đều sẽ bắt đầu mua quần áo ảo vào năm 2021. Nhưng thế hệ kỹ thuật số bản địa - những đứa trẻ nhìn ra thế giới qua màn hình và thấu kính công nghệ, giao tiếp bằng social media và “sống” rất nhiều cuộc đời trong thế giới pixel - không còn xa lạ với việc mua sắm quần áo kỹ thuật số cho các nhân vật đại diện trong xã hội ảo của họ. 

Không quá sớm để cân nhắc đến việc shopping thời trang kỹ thuật số. Đối với các tín đồ thời trang, quần áo ảo hiện có thể chỉ là một xu hướng, nhưng trong một viễn cảnh Thực Tế Mở Rộng (XR) [*3], rất bình thường khi nhiều người sở hữu tủ quần áo kỹ thuật số của riêng mình. Trên thực tế, nhiều BST kỹ thuật số đã có sẵn và sold out nhanh chóng. Mặc dù, những khách hàng đầu tiên của thị trường Digital Fashion sơ khai hầu như là những kẻ mộng mơ hiếu kỳ, hoặc những nhà đầu tư có tầm nhìn của chủ nghĩa tương lai. 

Đầu năm 2019, CEO của công ty công nghệ blockchain Quantstamp [*4] - Richard Ma, đã tặng vợ một chiếc váy ảo cao cấp trị giá 9.500 USD. Một chiếc váy không có thật ở dạng vật lý, chỉ tồn tại trên nền tảng kỹ thuật số, thuộc dự án Iridescence (Ánh Kim) - một dấu mốc quan trọng của kỷ nguyên Digital Fashion và là giao dịch blockchain đầu tiên của thương hiệu thời trang kỹ thuật số The Fabricant. Mr. Richard Ma cho biết: "Chắc chắn rất đắt, nhưng cũng giống như một khoản đầu tư...Trong 10 năm nữa, mọi người sẽ "mặc" thời trang kỹ thuật số. Đó là một kỷ vật độc đáo. Một dấu hiệu của thời đại".

Mary Ren - vợ của Richard Ma, người “độc quyền sở hữu” chiếc váy kỹ thuật số Iridescence trị giá 9,500 USD. Nguồn: the_fab_ric_ant IG
Mary Ren - vợ của Richard Ma, người “độc quyền sở hữu” chiếc váy kỹ thuật số Iridescence trị giá 9,500 USD. Nguồn: the_fab_ric_ant IG

Ban đầu, khi dự án Iridescence được The Fabricant gọi tên là Techgnosis (Tiên Lượng Công Nghệ), giám đốc sáng tạo Amber Jae Slooten đã viết một dòng chữ rằng: “Một sự sùng bái mới đang trỗi dậy. Thế giới kỹ thuật số đang đến và chúng ta không còn bị ràng buộc vào không gian vật lý nữa”. 

The Fabricant đã định vị mình như một thương hiệu thời trang kỹ thuật số cao cấp, thiết kế những mẫu “Thought Couture” siêu thực và may đo “bespoke” bằng các phần mềm công nghệ. Thay vì các thợ may và nghệ nhân, các lập trình viên và nghệ sĩ animator sáng tạo ra tác phẩm. Quần áo kỹ thuật số không nhất thiết phải tôn trọng quy luật vật lý và giới hạn duy nhất chỉ là trí tưởng tượng của người sáng tạo cũng như kỹ thuật công nghệ của họ.

Cái giá của quá trình sáng tạo cho một bộ sưu tập kỹ thuật số là rất lớn. Theo như Vogue từng đưa tin, The Fabricant chỉ chấp nhận các dự án đảm bảo lợi nhuận tối thiểu 25,000 đô la và kéo dài ít nhất sáu tuần. Tại Fabricant, tất cả các chi tiết được vẽ thủ công và sau đó thiết kế dưới dạng 3D animated, đây thực sự là một loại công việc quá phức tạp thách thức các thương hiệu đưa nó vào mô hình hiện tại của họ.

“500 trước, chúng ta đã nhảy lên một con tàu để đi đến rìa bản đồ, nhưng đến nay mọi ngóc ngách của thế giới vật chất đã được khám phá. Thực sự thú vị khi khám phá ra một không gian chưa được khám phá, như không gian blockchain, đặc biệt là khi kết hợp với quần áo” - Richard Ma

Quan điểm đổi mới sẽ nhanh chóng chuyển đổi thành hành động. Kỷ nguyên Digital Fashion được dự đoán sẽ tạo ra cuộc cách mạng về văn hoá tiêu dùng trong thời trang một lần nữa. Sáng tạo bởi những nhà lãnh đạo cấp tiến và nhận được sự ủng hộ của một thế hệ sở hữu bản năng công nghệ từ khi mới ra đời, các file quần áo kỹ thuật số đang được truyền tải vào nhận thức của con người - từ ý tưởng đến dự án, từ phòng thí nghiệm thời trang công nghệ đến thị trường bán lẻ truyền thống. 

Cách tân hoặc có thể sẽ bị đào thải, đó là một quyết định mạo hiểm. Năm 2018, nhà bán lẻ đa thương hiệu đến từ Hồng Kông I.T (ithk.com), đã uỷ quyền chiến dịch “I.T Goes Digital” (hay 30I.T) cho The Fabricant để tái tạo kỹ thuật số một BST tuyển chọn (gồm các mẫu thiết kế của Alexander McQueen, Helmut Lang và Marques Almeida), nhằm đánh dấu 30 năm thành lập và dẫn đầu ngành bán lẻ thời trang Trung Quốc. 3 thập kỷ không phải là một con số mang tính thâm niên trong ngành công nghiệp thời trang, nơi được lãnh đạo bởi các nhà mốt hơn trăm năm tuổi. Nhưng với một nhà bán lẻ thời trang có lịch sử đi xuyên thế kỷ, đây là một chiến dịch tái định vị và mang tính tiên phong. 

Tháng 10/2018, các cửa hàng pop-up của I.T không trực tiếp bày bán BST 30I.T ở phiên bản vật lý. Thay vào đó, các khối hộp kỹ thuật số cao đến hơn 3m xếp thành một không gian thương mại điện tử, trình chiếu các video quần áo kỹ thuật số thực hiện bởi The Fabricant, trong khi đó quần áo vật lý được “triển lãm” trong các lồng kính. Len lỏi qua các khối hộp, khách hàng trải nghiệm một thực tế song song và có thể tương tác với màn hình cảm ứng để mua sắm trực tuyến qua ứng dụng của thương hiệu. 

1 / 3

Bên cạnh việc tạo ra các BST kỹ thuật số nhằm “truyền bá” khái niệm Thought Couture của mình, The Fabricant cũng chia sẻ triết lý và đồng trải nghiệm các chiến dịch tiếp cận công nghệ của PUMA, Tommy Hilfiger, Buffalo London và Aape+ của Nhật Bản. Đặc biệt, với Tommy Hilfiger, không đơn giản là một thử nghiệm, đó còn là một tham vọng nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang thiết kế kỹ thuật số hoàn toàn. Tháng 11/2019 tại Web Summit, Daniel Grieder - CEO Global và PVH Europe của Tommy Hilfiger đã công bố sẽ hiện thực hóa tham vọng đó vào mùa xuân năm 2022. 

"Chúng tôi tin tưởng vào số hóa. Kỹ thuật số là tương lai mới. Đó là chuẩn mực mới. Chúng tôi thực hiện nó trên tất cả các khía cạnh của công ty mình, từ đổi mới sản phẩm trong thiết kế 3D đến những người có ảnh hưởng nhân tạo", Daniel Grieder, CEO Tommy Hilfiger Global & PVH Europe, phát biểu trong chương trình “Sketching the fashion of the future” của Web Summit 2019, tại Lisbon, Bồ Đào Nha.

 

Tommy Hilfiger là nhà tiên phong thành lập Digital Showroom ngay từ đầu năm 2015, nhằm cách mạng hoá trải nghiệm bán hàng truyền thống trong lĩnh vực thời trang thể thao cao cấp. Nguồn: Knight-interactive.com
Tommy Hilfiger là nhà tiên phong thành lập Digital Showroom ngay từ đầu năm 2015, nhằm cách mạng hoá trải nghiệm bán hàng truyền thống trong lĩnh vực thời trang thể thao cao cấp. Nguồn: Knight-interactive.com

Quần áo kỹ thuật số có phải là một giải pháp bền vững? 

Tháng 11/2018, công ty Thuỵ Điển Carlings đã phát hành BST "giới hạn" Neo-Ex gồm 19 sản phẩm may mặc kỹ thuật số, có giá từ 10 EUR đến 30 EUR (khoảng 11 USD đến 33 USD), tất cả bán hết chỉ trong một tuần với cam kết chuyển trực tiếp toàn bộ doanh thu đến tổ chức toàn cầu phi lợi nhuận WaterAid. 

CEO Ronny Mikalsen của Carlings nhận xét: "Nghe có vẻ hơi ngu ngốc khi nói rằng chúng tôi đã "bán hết hàng", điều này về mặt lý thuyết là không thể khi bạn làm việc với một BST kỹ thuật số vì bạn có thể tạo ra bao nhiêu tùy thích. Chúng tôi đã đặt ra giới hạn về số lượng sản phẩm mà chúng tôi sẽ sản xuất để làm cho nó đặc biệt hơn một chút. Chỉ sử dụng kỹ thuật số cho phép các nhà thiết kế tạo ra các mặt hàng có thể vượt qua ranh giới của sự xa hoa hoặc tính khả thi"

Carlings Neo-Ex collection 2018. Nguồn: Irenebrination.com
Carlings Neo-Ex collection 2018. Nguồn: Irenebrination.com

Vào lúc 11h ngày 14/11/2018, Carlings ra mắt BST Neo-Ex và hợp tác với một virtual influencer bạch biến có tên Perl.www [*5] trong chiến dịch #AdDress The Future (được giải Grand Prix for Digital Craft 2019). Bối cảnh ra đời của chiến dịch quảng cáo này xuất phát từ thực tế lối sống và các “chỉ số trung bình” đáng sợ của ngành công nghiệp thời trang.

Trung bình quần áo chỉ được mặc 7 lần trước khi bị vứt bỏ. Trung bình mỗi người trong chúng ta mua 27kg quần áo/năm. Trung bình một chiếc cotton T-shirt cần tới 2,700 lít nước để sản xuất. Những nền tảng như Instagram hay Tik Tok đã tăng tốc cuộc đua thời trang nhanh hơn bao giờ hết. Để chứng tỏ phong cách, những đường cắt ngày càng lãng phí và những bảng màu nhuộm ít thân thiện hơn với môi trường. Vì vậy, thời trang trở nên kém linh hoạt hơn để có thể ứng dụng trong những môi trường khác nhau. Theo một cuộc khảo sát do công ty thẻ tín dụng Barclaycard thực hiện, gần 1/10 người mua sắm ở Anh (9%) thừa nhận chỉ mua quần áo để chụp ảnh đăng trên mạng xã hội. 

Nhiều năm nay, ngành công nghiệp thời trang đang gấp rút tái tạo lại chuỗi cung ứng. Nếu không thay đổi theo một cách nào đó, dự báo lợi nhuận của ngành trên toàn cầu sẽ bị cắt giảm 3% vào năm 2030. Áp lực đến từ mọi mặt. Đại dương bao phủ 70% bề mặt Trái Đất, nhưng tài nguyên nước sẽ đi từ khan hiếm đến mức cạn kiệt trong vòng một thập niên nữa. Việc cắt giảm chi phí vô độ dẫn đến điều kiện lao động như dưới chế độ nô lệ, và vấn đề này vẫn đang diễn ra phổ biến tại các quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới. Kinh tế như rất phát triển, nhưng các thương hiệu mới nổi và các công ty khởi nghiệp dễ dàng lóe sáng rồi sụp đổ, thay phiên nhau ký gửi các BST chưa bán được đến bãi rác bằng những đoàn xe tải.

Video Player is loading.
Current Time 0:00
Duration 0:00
Loaded: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time 0:00
 
1x
Advertisement
VIRTUAL FASHION FROM CARLING - HOW TO

Trách nhiệm tìm kiếm sự cân bằng giữa thời trang và tính bền vững đã trở thành điều cấp thiết trong những năm gần đây. Chủ nghĩa siêu tiêu thụ trong thời trang đã nâng vấn nạn ô nhiễm toàn cầu lên đến mức khủng hoảng. Tuy nhiên, “một sự thay đổi bắt buộc” đã không ngừng được kêu gọi và ngày càng dấy lên mãnh liệt, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây. Nhân loại ngày càng nhận thức rõ: tất cả nỗ lực của phong trào thời trang bền vững không phải để cứu trái đất, mà để tự cứu mình. 

Carlings đã tiến tới một giải pháp, nhận lấy danh hiệu là nhà bán lẻ thời trang kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới. Đó không phải là những bộ quần áo ảo trong thế giới game mà theo đúng nghĩa thời trang và thương mại. Mọi người có thể mua những mẫu thiết kế kỹ thuật số để sử dụng cho môi trường internet của mình với một mức giá hợp lý. Khi khách hàng order một món đồ trong BST, "thợ may kỹ thuật số" sẽ điều chỉnh mẫu thiết kế theo vóc dáng cơ thể của khách hàng, xác định các đường may, nếp gấp và mọi chi tiết sao cho phù hợp với điều kiện môi trường trong bức ảnh. Người mua không thực sự nhận được quần áo, nhưng họ có những bức ảnh đang mặc chúng.

"Thiết kế 3D không khác gì so với thiết kế may đo vật lý. Bạn vẫn chọn chất liệu, vẽ mẫu, nối các đường may, hoàn thiện tỷ lệ. Nhưng trong thế giới kỹ thuật số, giới hạn duy nhất là trí tưởng tượng của bạn. Đó là tính thẩm mỹ thuần tuý, được giải phóng khỏi những mối quan tâm thực tế và thật phấn khởi khi làm việc" - Dimitri Werner de Paiva, Creative Designer tại Creative Agency Virtue Nordic

Kỷ nguyên Digital Fashion không chỉ đem lại sự giằng co trong suốt quá trình chuyển hoá tư duy, mà còn dâng lên như từng đợt sóng cuộn đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng. Tháng 8/2020, sự ra đời của Digital Ecommerce Dress-x.com bỗng chốc biến tất cả những gì thuộc về thời trang vật lý mà mọi người biết đến trước nay đều trở thành “thời trang truyền thống”. Tự định nghĩa là một nhà bán lẻ đa thương hiệu đầu tiên tập trung cung cấp thời trang kỹ thuật số, Dress-x.com muốn chứng minh rằng một phần quần áo trong tủ đồ của nhân loại nên là các phiên bản pixel. 

Ngay từ khi mới ra đời, nhà tiên phong Digital Ecommerce đã bắt tay với hàng chục NTK/thương hiệu thời trang kỹ thuật số “sẵn sàng để mặc” trên khắp thế giới. Từ thương hiệu Alena Akhamadullina - cung cấp tùy chọn vật lý lẫn kỹ thuật số của các mẫu thiết kế độc đáo lấy cảm hứng từ văn hóa Nga, cho đến The Fabricant với tiếng vang lớn tạo ra những dự án nổi bật; từ những BST được thực hiện bởi phần mềm thiết kế Yoona Tech AI (trí tuệ nhân tạo), cho đến các BST hợp tác giữa DressX với nghệ sĩ đương đại Anna Tsvell hay cựu tổng biên tập Vogue Ukraine - Olga Sushko. 

All-white collection ‘Light’ thiết kế bởi thương hiệu Crupnova, thành lập bởi NTK Alexandra Crupnova tại Saint-Petersburg, Nga. Nguồn: Dressxcom IG
All-white collection ‘Light’ thiết kế bởi thương hiệu Crupnova, thành lập bởi NTK Alexandra Crupnova tại Saint-Petersburg, Nga. Nguồn: Dressxcom IG
Một trong hai nhà sáng lập của DressX - Natalia Modenova, trong mẫu thiết kế digi-couture của The Fabricant. Nguồn: Dressxcom IG
Một trong hai nhà sáng lập của DressX - Natalia Modenova, trong mẫu thiết kế digi-couture của The Fabricant. Nguồn: Dressxcom IG

Kỷ nguyên thời trang nhanh đã tạo ra lượng quần áo khổng lồ so với nhu cầu của toàn nhân loại, và hiện nay vẫn đang được sản xuất nhiều hơn nữa. Thế hệ người tiêu dùng “có tính cách trực tuyến” ngày nay phải vật lộn với nhu cầu đổi mới nhưng đồng thời rất cân nhắc đến tác động môi trường.

Nghĩ khác đi một chút, phong cách không đơn giản là một điều gì đó hữu hình, vì thế thời trang không nhất định phải cầm nắm được ở dạng vật lý.

Tính thuyết phục của thời trang kỹ thuật số chính là sản xuất số hoá giúp rút ngắn thời gian đưa “sản phẩm” ra thị trường, kéo theo sự loại bỏ một loạt các hao phí trong nhiều quy trình. Quần áo kỹ thuật số không đòi hỏi nguyên phụ liệu vật chất, không trải qua các công đoạn xử lý độc hại gây tác động đến môi trường, và cuối cùng không phải bị vùi nén trong núi rác thải thời trang chờ bị chôn lấp hoặc thiêu đốt.

"Đừng mua sắm ít hơn, hãy mua sắm thời trang kỹ thuật số" - DressX.com

Những người sáng lập Dress-x.com đã thuê nhà tư vấn để thu thập và phân tích dữ liệu nhằm định lượng chính xác lợi ích của kỹ thuật số so với thời trang nhanh dưới dạng vật lý (dù đó là những phép tính tương đối). Một số nghiên cứu thứ cấp được thực hiện và một số dữ liệu phác thảo công bố bởi Ericsson report cũng được đưa ra tham khảo. Trong khi đó Carbon Trust report cũng chỉ ra rằng một chiếc t-shirt nam thải ra 6,5kg CO2 vào bầu khí quyển, đối chiếu với thời gian một giờ để tạo ra một file quần áo kỹ thuật số, năng lượng thải ra chỉ khoảng 0,312kg CO2.

Theo thông cáo sustainable đăng trên Dress-x.com, tổng lượng khí thải carbon trung bình để tạo ra một mặt hàng kỹ thuật số ít hơn 97% so với quy trình sản xuất một loại quần áo vật lý, tiết kiệm khoảng 3,300 lít nước cho mỗi mặt hàng (tương đương lượng nước đủ cho một người trong suốt 3,5 năm). DressX cũng cam kết quyên góp 1% doanh thu của tất cả sản phẩm may mặc kỹ thuật số cho quỹ hoạt động phi lợi nhuận No More Plastic, và khẳng định nỗ lực thực hiện 4/17 mục tiêu bền vững của Liên Hợp Quốc trong hoạt động thương mại ở giai đoạn hiện tại. .

Thay vì một chiếc quần jeans “truyền thống”, việc sản xuất một chiếc quần jeans kỹ thuật số tiết kiệm khoảng 7,570 lít nước, đủ uống cho một người trong suốt 10 năm (trung bình 2 lít/ngày). Nguồn: Dress-x.com
Thay vì một chiếc quần jeans “truyền thống”, việc sản xuất một chiếc quần jeans kỹ thuật số tiết kiệm khoảng 7,570 lít nước, đủ uống cho một người trong suốt 10 năm (trung bình 2 lít/ngày). Nguồn: Dress-x.com

Ngoài ra, ý nghĩa bao hàm của thời trang kỹ thuật số còn là “cởi mở hơn với sự sáng tạo và tôn vinh vẻ đẹp của những hình thể khác nhau”. Nhà thiết kế cũng như người sử dụng, có thể thử nghiệm với bất kỳ ý tưởng, silhouette, cấu trúc và mọi chất liệu tùy biến dưới dạng pixel. Thời trang kỹ thuật số dành cho tất cả mọi kích cỡ, không chỉ riêng size 0. Các “thợ may công nghệ” sẽ điều chỉnh các mẫu thiết kế theo size của khách hàng mà không cần phải ép cân. 

Trên nền tảng của mình, Dress-x.com đã cung cấp một guideline chi tiết về việc lựa chọn hình ảnh, giúp khách hàng có thể “mặc” quần áo kỹ thuật số ở chất lượng tốt nhất và “vừa vặn” nhất. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, việc “mặc” quần áo kỹ thuật số cho người mua trên Dress-x.com vẫn đang thực hiện “thủ công” bởi các 3D artist, quy trình “giao hàng” trung bình khoảng 2 ngày. Tuy nhiên, nhà sáng lập Shapovalova cho biết: Tự động hóa là mục tiêu quan trọng nhất đối với DressX và tiết lộ rằng KPI của họ là bán được 1 tỷ mặt hàng kỹ thuật số trong vòng 10 năm tới. 

Video Player is loading.
Current Time 0:00
Duration 0:00
Loaded: 0.00%
Stream Type LIVE
Remaining Time 0:00
 
1x
Advertisement
DRESSX Sustainability

Chú thích 

[*1] FM-2030: tên thật Fereidoun M. Esfandiary (1930 - 2000), một tác giả, giáo sư, nhà tương lai học, nhà tư vấn và vận động viên người Mỹ gốc Bỉ. Được biết đến như một nhà Xuyên Nhân Học (Transhumanist) đầu tiên, đã tự đổi tên thành FM-2030 vì mục tiêu cũng như giấc mơ rằng con người sẽ tồn tại mãi mãi kể từ 2030, và là người đầu tiên thực hiện thuỷ tinh hoá thi thể của chính mình để chờ đợi “hồi sinh” trong phiên bản 2030. 

[*2] The Sims: với 400 triệu lượt tải xuống kể từ khi phát hành vào năm 2000, là một trong những trò chơi bán chạy nhất trong lịch sử

[*3] XR: Extended Reality là một thuật ngữ đề cập đến tất cả các môi trường kết hợp giữa thực vs ảo vs tương tác giữa người và máy tính vs các thiết bị công nghệ, trong đó "X" đại diện cho một biến số bất kỳ ở hiện tại hoặc một không gian công nghệ tin học nào đó trong tương lai. 

[*4] Quantstamp: một công ty hàng đầu trong lĩnh vực bảo mật blockchain và cung cấp giải pháp blockchain end-to-end cho các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

[*5] Perl.www: xuất hiện trên internet lần đầu tiên vào ngày 30/4/2018, là một CGI được tạo ra với một cá tính và tư duy tích cực. Nhà sáng tạo ra cô đã đặt tên theo một chương trình phần mềm nổi tiếng của những năm 80 và “đính kèm” một vết bạch biến trên gương mặt của cô nhằm châm ngòi cho các cuộc tranh luận về vẻ đẹp. Tháng 10/2018, Perl.www từng thông báo ra mắt thương hiệu mỹ phẩm trang điểm kỹ thuật số mang tên mình, dành riêng cho AI, robot và 3D model. Tự nhận là một AI và tin rằng các nhân vật ảo đóng góp nhiều cuộc trò chuyện về thời đại kỹ thuật số, Perl.www đã thực hiện một cuộc phỏng vấn bởi tạp chí Dazed Digital để chia sẻ về công việc kinh doanh, quan điểm và dự định tương lai của cô.. Tập trung vào thời trang và có một nhận thức rõ ràng về vẻ đẹp khác biệt của người thật cũng như CGI, Perl.www khá năng động và sẵn sàng thể hiện sự tham vọng trong khoảng thời gian đầu đời, nhưng đến nay không rõ tung tích trên Instagram, có thể, tất cả những gì thuộc về Perl.www chỉ là một cuộc thử nghiệm ngắn hạn. 



 

*Tiêu đề: 

Vay mượn khái niệm “next frontier” đã không ngừng được đề cập đến trong vài năm gần đây. 

Điển hình như tiêu đề một bài viết của Voguebusiness.com - “Why digital clothing is the next fashion frontier”, xuất bản ngày 3/4/2019. Và một tiêu đề đầy đủ hơn -  “How Will Fashion Shows Evolve? Are Virtual Clothes the Next Frontier? Designers, Tech Leaders, and CEOs Discussed What’s Next at Vogue’s CES Panel”, xuất bản ngày 14/1/2021 trên Vogue.com

 

Ảnh bìa:

Carlings Neo-Ex Collection. Nguồn: Papermag.com

Tham khảo:

Texintel.com, Virtualhumans.org, Pursuitist.com, Keiseimagazine.com, hk.iteshop.com, Nssmag.com, Fashionunited.com, Dress-x.com, Forbes.com, Vogue.com, Thefabricant.com

Thực hiện: Xu

 

Tags

Recommended posts for you