Hoa sen: Tôn vinh hay bức tử văn hóa?
Biểu tượng quốc gia, biểu tượng truyền thống, biểu tượng tín ngưỡng cả hư cấu đến hiện thực luôn giữ một vị trí quan trọng trong thiết kế. Chúng hoạt động như những con dấu pháp quyền để đảm bảo cho việc nhận dạng tộc tính, nguồn gốc của thiết kế đồng thời mang theo một sứ mệnh quảng bá bản sắc văn hoá hữu hiệu.
Biểu tượng văn hoá nói chung là sản phẩm đúc kết từ trí tưởng tượng của một dân tộc, một cộng đồng. Tính thống nhất, tính liên kết cao của biểu tượng giúp chúng ta biết được mình là ai và thuộc về đâu. Ví dụ như: cờ tổ quốc, quốc phục, quốc hoa… Nó có thể trở thành ngôn ngữ chung cho toàn nhân loại, có khả năng phát đi những tín hiệu ngay lập tức mà không cần phải diễn giải như biểu tượng hoà bình, biểu tượng chữ thập đỏ…
Biểu tượng có sức mạnh lớn trong việc thiết lập bộ gen di truyền cho mỗi một bản thể văn hoá. Chúng vén mở tâm tính của một dân tộc và phản chiếu quá khứ lịch sử của dân tộc đó. Tính chuẩn mực của biểu tượng cũng giúp chúng được duy trì từ đời này qua đời khác. Lặp đi, lặp lại theo thời gian dần dần hình thành nên nếp sống, phong tục và tập quán. Các tích cổ, các nhân vật thần thoại, các đại diện tâm linh, các mô típ thờ phụng…luôn được trọng dụng và lồng ghép vào hoạt động đời sống sáng tạo hàng ngày của chúng ta trong đó có thiết kế. Điều này làm giàu thêm nội dung của thiết kế, nâng cao giá trị cho thiết kế.
Tuy nhiên, tích hợp biểu tượng hay các yếu tố văn hoá như thế nào vào trong thiết kế để vừa tôn vinh được biểu tượng và vừa tôn vinh được cả thiết kế? Làm thế nào để đan cài biểu tượng vào thiết kế mà không bị phô trương, hô hào? Làm thế nào để biểu tượng được bảo toàn mà vẫn phải thoả mãn sức sáng tạo? Làm thế nào để không có cảm giác nhồi nhét, bức bối khi thấy biểu tượng tôn kính bị chụp lên một bộ phục trang một cách thô bạo? Làm thế nào để ngắm nghía một sản phẩm có dấu ấn văn hoá khiến chúng ta mỉm cười và trong lòng thì phơi phới tự tôn?
Trước và qua cuộc thi thiết kế được tổ chức bởi Tuần Lễ Thiết Kế Việt Nam vào năm ngoái với chủ đề Tái Sinh (năm nay là Đánh Thức Truyền Thống hiện đang diễn ra), ở vai trò người hướng dẫn và giám khảo, tôi đã tận mắt chứng kiến không biết bao nhiêu các bài tập, đồ án tốt nghiệp, bài dự thi thiết kế vận dụng các biểu tượng văn hoá trong đó có Hoa Sen.
Hầu hết các quốc gia ở Châu Á đều tôn sùng hoa sen và lấy nó làm biểu tượng cho nhiều lĩnh vực. Hoa sen len lỏi vào mọi ngóc ngách trong đời sống của chúng ta từ ẩm thực, văn học, nghệ thuật, kiến trúc và nhất là tín ngưỡng. Hoa Sen trong tự nhiên đã có một câu chuyện về sinh tồn rất phù hợp với triết lý sống của người gốc Á. Loài hoa đạo này – có nhiều người cho rằng Đạo Phật là “đạo hoa sen” - tồn tại những đặc điểm trùng khớp với các chuẩn mực giáo lý của con người (đó là cái may của hoa sen, chứ hoa sen cũng chỉ là một trong muôn loài thực vật trên trái đất này thôi mà!). Hoa sen được phù phép thành một thứ biểu tượng đầy quyền uy. Đại diện cho sự thuần khiết, sinh hoá hồn nhiên, vô nhiễm, vô ưu, cho nguyên lý âm trong vũ trụ. Trong rất nhiều tranh Phật Giáo về cõi cực lạc, hoa sen xuất hiện khắp nơi.
Có quá nhiều lý do để cài cắm hoa sen vào trong sáng tạo, nhất là thời trang. Các cuộc thi sắc đẹp, những chương trình văn nghệ giải trí là những sân khấu mà Hoa Sen được trọng vọng nhất. Nó được nhào nặn thành mọi hình dạng: đạo cụ, phông màn, phù điêu, bích hoạ, trang phục để ra sức kể những câu chuyện bản sắc không biết mệt mỏi.
Nhìn vào Áo Dài mà xem, hoa sen chắc chắn là bậc tri kỷ. Tần xuất hoa sen xuất hiện trên những tấm áo dài của chị em phụ nữ Việt Nam không thể nào đếm xuể. Chúng muôn hình vạn dạng và gần như chưa bao giờ bị lỗi mốt. Nhất là thời điểm hiện tại khi phong trào người người áo dài, nhà nhà áo dài biểu tượng hoa sen càng ở thế thượng phong.
Có áo dài điểm xuyết có áo dài thì dày đặc hoạ tiết hoa sen. Nhưng ở chừng mực nào thì hoa sen cũng không “mờ nhạt”. Tức là có thể nhìn ra ngay lập tức. Nếu đó là trang phục để dành cho các lễ nghi tôn giáo như lên đồng hay lễ hội hoá trang thì đã đành. Nhưng không nó có mặt cả trong trang phục thường ngày và dạ hội. Như một bình hoa di động hay một bức tranh dân gian trào phúng chẳng hề cản trở được ham muốn sở hữu các sản phẩm thời trang hoa sen của rất nhiều người. Cũng như vậy, với các NTK cùng sở thích, họ tìm mọi cách để tung hô hoa sen, càng nhiều càng tốt, càng tầng tầng lớp lớp thì càng gây choáng ngợp. Còn choáng ngợp vì xấu hay đẹp cũng không quan trọng.
Thiết kế phản ảnh mỹ quan dân tộc, tâm lý dân tộc. Công việc quảng bá những giá trị phi vật thể qua thiết kế rõ ràng là một công việc mang những trọng trách nặng nề. Vì thiết kế không chỉ đóng vai trò là sản phẩm thiết kế có thẩm mỹ, tính năng mà còn là những văn bản văn hoá cụ thể. Cài cắm chất liệu văn hoá hiệu quả vào thiết kế có thể kích thích xã hội, thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ, lối sống. Đưa ra những thiết kế có giá trị văn hoá cũng là cách cá nhân tạo ra đóng góp cho cộng đồng và góp phần khẳng định bản ngã của cả cộng đồng. Tích hợp văn hoá khéo léo vào thiết kế giúp chúng ta tương tác với quá khứ, với truyền thống một cách mới mẻ đồng thời lại phản ánh được đúng tinh thần thời đại.
Các nhà mốt lừng danh như Moschino của Ý cũng đã tìm cách khai thác hoa sen trong chuỗi sản phẩm của thương hiệu.
Tập đoàn xa xỉ Gucci gây bàn tán không ngớt trên nhiều kênh truyền thông khi diễn viên điện ảnh nổi tiếng Gwyneth Paltrow thướt tha trong chiếc đầm dạ hội bằng nhung có trang trí bông sen trước ngực. Người khen, kẻ chê. Riêng đối với cá nhân người viết bài này, đây là một mẫu thiết kế dung nạp được hoa sen trọn vẹn, hiện đại mà vẫn đủ tinh tế. Mặc dù, do sinh ra và lớn lên tại một đất nước “nghiền” sen như Việt Nam nên tôi đã ngắm nhìn nó với tiếng thở dài. Lại Sen!
Biểu tượng văn hoá như Hoa Sen hay hoa gì đi nữa đều là những nguồn cảm hứng sáng tác quý giá. Nhưng vì những biểu tượng đó đã quá quen thuộc nên phạm trù sáng tạo từ chúng sẽ có những giới hạn nhất định. Để tạo được cái mới, cái lạ từ những biểu tượng xuất hiện nhan nhản như quốc hoa, các nhà thiết kế phải có khả năng đột phá thực sự. Vốn hiểu biết về các biểu tượng văn hoá mà các ntk định kết hợp rất quan trọng. Nó sẽ giúp họ điều chỉnh liều lượng và cấy ghép đúng lúc, đúng chỗ. Nghiên cứu kỹ các biểu tượng văn hoá, truyền thống trước khi áp dụng cũng sẽ giúp các ntk không bị ngộ nhận, lầm tưởng, tránh được sự lỗ liễu hay đơn điệu khi thiết kế. Nó như con dao hai lưỡi, có thể làm một ntk nào đó toả sáng nhưng cũng có thể làm họ trở nên thật mờ nhạt, thậm chí nhàm chán, lố bịch.
Nếu bạn nhất quyết phải có các biểu tượng văn hoá như hoa sen trong thiết kế của mình xin hãy thận trọng và tìm cách tiếp cận mới. Biểu tượng văn hoá luôn tiềm tàng sức mạnh nên kiểm toả, tiết chế phải chăng là một cách tích hợp đáng cân nhắc? Hãy để các chất liệu văn hoá làm giàu cho thiết kế chứ không phải gây rối hay bôi bẩn. Với lại, nhỡ bạn có quên không dùng quốc hoa cho thiết kế thì biểu tượng đó vẫn tồn tại ở những nơi chốn khác như đền, chùa, lăng, tẩm, nhà tưởng niệm, nhà quốc hội… cho đến tranh cổ động và cả phiếu bé ngoan.
Xin đừng quên, kho tàng văn hoá dân gian và hiện đại của Việt Nam vô cùng phong phú và liên tục bồi đắp. Nó luôn thoải mái để thiết đãi chúng ta những ý tưởng mới mẻ và khác biệt.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta để quốc hoa được nghỉ ngơi?
Bài: Vũ Thảo
Nhà thiết kế thời trang, nghệ sĩ chất liệu và doanh nhân sinh thái,
nhà sáng lập nhãn hiệu thời trang bền vững cao cấp Kilomet109 vào năm 2012
---
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không phải quan điểm của L'OFFICIEL Vietnam