Chiếm đoạt văn hóa là gì? Rihanna, Kendall Jenner và cả Dior, ai mới đáng bị lên án?
Chuyện gì đã xảy ra?
Rihanna: Nữ ca sĩ bị cáo buộc hành vi chiếm đoạt văn hóa và không tôn trọng tôn giáo sau khi tự mình đăng tải trên Instagram và Twitter hình ảnh ngực trần, chỉ mặc một chiếc boxer satin của hãng nội y do cô sáng lập Savage X Fenty. Điều đáng nói là trên cổ “kim cương đen” đeo một sợi dây chuyền có hình ảnh thần Ganesha, vị thần thiêng liêng của đạo Hindu. Các phản ứng bao gồm: “Có thể ngừng khiêu dâm hóa tôn giáo để tạo sức ảnh hưởng không?”, hoặc “Tôn giáo của chúng tôi không phải là trang phục của cô”. Tuy nhiên cũng nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều bình thường của thời trang và văn hóa tự do ngày nay. (dẫn từ Style-Republik.com)
Kendall Jenner: Nhẹ hơn, nữ người mẫu bị Diet-Prada lên tiếng vì việc ra mắt dòng rượu techquila mang tên Drink818 (mã vùng Calabasas - nơi cô chưng cất rượu). Diet-Prada cho rằng cô chiếm đoạt văn hoá vùng Mexico. Cũng 3 năm trước, Kendall từng bị vạ lây trong một dự án quảng cáo của Pepsi với cùng cụm từ "chiếm đoạt văn hóa"
Johnny Depp và Dior: Sự việc bắt đầu từ chiến dịch quảng bá cho loại nước hoa mang tên Sauvage của Dior với sự góp mặt của nam diễn viên nổi tiếng Johnny Depp ngày 31/08/2019. Trong quá khứ, “Sauvage” (tiếng Pháp có nghĩa hoang dại, mọi rợ, đồng nghĩa với từ “savage” trong tiếng Anh) thường được dùng tại Mỹ với ý miệt thị người thổ dân da đỏ. Anh-điêng là phiên âm tiếng Việt của chữ Indian (người Ấn Độ) – cách gọi thổ dân bản địa Mỹ. Hành động này bị cho là phân biệt chủng tộc và chiếm đoạt văn hóa. Sau khi nhận chỉ trích, Dior đã gỡ đoạn phim khỏi các kênh mạng xã hội. Ngày 1/9, hãng thời trang đăng tải phiên bản khác, không sử dụng các diễn viên da đỏ trên Youtube.
Vậy chiếm đoạt văn hóa là gì?
Đây không phải là lần đầu tiên cụm từ “chiếm đoạt văn hóa” (cultural appropriation) được nhắc đến, đặc biệt là trong ngành thời trang. Trên các diễn đàn thời trang, chủ đề này vẫn là một cuộc tranh luận dai dẳng, bắt nguồn từ nhiều năm trước và giờ đây nóng hơn qua mỗi năm.
Có nhiều vụ chỉ trích về “chiếm đoạt văn hóa” mà chúng ta có thể nhắc đến. Đầu năm 2019, Gucci lên tiếng xin lỗi và gỡ bỏ sản phẩm khỏi toàn bộ hệ thống bán lẻ mẫu áo len hơi hướng phân biệt chủng tộc sau khi bị chỉ trích. Katy Perry cũng mắc phải lỗi tương tự khi ra mắt các thiết kế mô phỏng gương mặt của người da đen trên giày thời trang. Prada cũng bị chỉ trích và phải nhanh chóng loại bỏ sản phẩm ra khỏi cửa hàng. Victoria’s Secret thì bị la ó với các thiết kế nội y cách điệu lấy cảm hứng từ nhiều nền văn hóa, mà bị phản đối nhiều nhất là bộ nội y trang trí hình Rồng do Elsa Hosk trình diễn.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của văn hóa lên thời trang là không thể chối cãi. Giới mộ điệu từ lâu đã quen với những chiếc áo kimono của Jeanne Lanvin; niềm đam mê của Elsa Schiaparelli với nền văn hóa phương Đông trong “The exotic body”; hay những chiếc turban và quần harem của Paul Poiret. Tình trạng này tiếp diễn trong suốt thế kỉ 20. Những chuyến đi đến Morocco đã gợi ý cho Yves Saint Laurent thiết kế Sahariennes, bộ trang phục túi hộp màu cát liên tưởng đến cuộc hành trình trên sa mạc Sahara. John Galliano phục dựng lối trang điểm của Geisha, trong khi Jean Paul Gaultier trình làng bộ sưu tập mang cảm hứng châu Phi vào năm 2005.
Sự khác biệt giữa “chiếm đoạt văn hóa” và “ảnh hưởng văn hóa”?
Tiến sĩ Shameem Black từ Khoa nghiên cứu về giới, truyền thông và văn hóa tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết luôn có những kiểu chia sẻ văn hóa khác nhau: “Có rất nhiều trao đổi qua những gì chúng ta có thể nghĩ là ranh giới văn hóa ở nhiều nơi trên thế giới và trong lịch sử.” Đối với bà Kapoor, thời trang là không gian nơi các nền văn hóa khác nhau được tôn vinh.
Vay mượn từ các nền văn hóa khác trở thành vấn đề khi bối cảnh lịch sử và sự nhạy cảm văn hóa bị bỏ qua. Đó là lý do tại sao những chiếc mũ trùm đầu của Gucci, boomerang của Chanel và chiếc mũ thổ dân trong show diễn của Victoria’s Secret nhận phải sự chỉ trích mạnh mẽ, bởi những vật dụng ấy có ý nghĩa tôn giáo hoặc văn hóa đối với một bộ phận dân chúng. Nhất là khi nền văn hóa ấy từng bị nô lệ và khai thác bởi thực dân châu Âu, và giờ đây chính các thương hiệu châu Âu và Mỹ lại sử dụng nó để thu về lợi nhuận.
Làm sao để các thương hiệu tránh khỏi scandal “chiếm đoạt văn hóa”?
Lời phán xét thường đến từ sử dụng hoặc vay mượn văn hóa mà không có sự tôn trọng, tham vấn với những người dân thuộc nền văn hóa đó. Việc tham khảo ý kiến, hợp tác và ít nhất là xem xét bối cảnh văn hóa là điều cần thiết đối với các nhà thiết kế.
Đó cũng là lí do gần đây các nhà thiết kế của những thương hiệu lớn có sự hợp tác với các nhà thiết kế bản xứ hoặc ghé thăm những nhà xưởng thủ công của bản địa. Đồng thời, các món trang phục lấy cảm hứng từ một nền văn hóa nên được diện bởi một người mẫu có xuất thân từ nền văn hóa đó. Dior là một trong những thương hiệu thông minh đã hợp tác cùng nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ và nhà nghiên cứu địa phương khi bắt đầu bất kì BST nào có tính ảnh hưởng về văn hóa.
Bài: Tổng hợp từ Style-Republik, W, L'OFFICIEL
Đọc thêm: https://style-republik.com/cu-dan-mang-an-do-cao-buoc-rihanna-chiem-doat-van-hoa-va-khong-ton-trong-ton-giao/
https://style-republik.com/tu-scandal-quang-cao-nuoc-hoa-sauvage-cua-dior-su-nhay-cam-cua-chiem-doat-van-hoa-trong-nganh-thoi-trang/