Họa sĩ Đoàn Quỳnh Như: “Một tác phẩm hay khiến ta vương vấn và lạc vào nó”
Tôi vẫn luôn nhớ như in cuộc gặp với họa sĩ Đoàn Quỳnh Như vào dịp triển lãm cá nhân “Khiêu vũ tới trập trùng” của chị. Một người phụ nữ giàu chất thi, giàu chất nhạc, mà đôi khi khiến tôi liên tưởng đến những vần thơ ngân nga, bay bổng mà lắng sâu của Rumi.
Trong thơ của Như có tranh, trong tranh của Như có thơ. Thi-họa trong con người chị hòa điệu làm một. Khi vẽ tranh, những vần thơ ẩn hiện tài tình trong những “đường đi nước bước” của cây cọ. Khi làm thơ, một bức họa trong tâm tưởng chị và khán giả bỗng hiện ra. Không chỉ tôi mà bất cứ người nào từng xem tranh của Đoàn Quỳnh Như đều tò mò về tâm sáng tác nhịp nhàng và uyển chuyển của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn này. Và cuộc trò chuyện hôm nay quả nhiên giải đáp bao thắc mắc bấy lâu.
Chào họa sĩ Đoàn Quỳnh Như! Thi-nhạc-họa nói là ba nhưng đôi khi lại như một. Vì khi ta nghe nhạc, làm thơ, thì hình ảnh (hội họa) thường xuất hiện trong tâm trí. Chị có quan điểm ra sao về nhận định này?
Với trường hợp của tôi thì đúng là như vậy vì khi nghe nhạc, làm thơ, hình ảnh chỉ xuất hiện trong tâm trí, trong vùng tưởng tượng. Chỉ khi đến với hội hoạ tôi mới có cơ hội trình bày ra thành hình ảnh mang ngôn ngữ hội hoạ.
Vậy những bức tranh của chị thường song hành cùng những bài thơ hay bài hát như thế nào? Chị có thể chia sẻ rõ về quá trình thực hành thú vị này?
Không phải bức tranh nào cũng song hành với một bài nhạc hay bài thơ. Có lẽ cần sự thấm đẫm và nguyên cớ nào đó thì nó mới phát tiết ra tranh. Quá trình đó quả là lý thú và cũng lắm suy tư dai dẳng, thực hành ý tưởng tạo ra một tác phẩm thị giác bằng miền suy tưởng vừa hư vừa thực, vừa ảo mộng, cũng thật lâng lâng.
Chẳng hạn sự ra đời của hoạ phẩm “Kinh đêm”: Rất lâu trước đó, tôi đã nghe và thấm từng ca từ “Lời kinh đêm” của cố nhạc sĩ Việt Dzũng, ca từ ám ảnh phần nào cho tôi thấy lại thân phận người trên quê hương thời nội chiến đầy bi thương. Và rồi sau thời gian dài sinh sống ở châu Âu, hình ảnh quen thuộc của những tháp chuông nhà thờ, những thánh đường mái vòm cao vút, từng hồi chuông rung lên cảm xúc thiêng liêng và dường như chứa đựng cả nỗi thống khổ trần thế. Lời nhạc đó đã có cơ hội bật lên mối xúc tác giữa ngoại cảnh và nội tâm. Đây cũng là niềm thôi thúc cho bức tranh ra đời.
Còn trường hợp tác phẩm “Trập trùng” lại khác: Sau khi tôi làm bài thơ “Khiêu vũ tới trập trùng” thì nhu cầu cảm xúc - hình ảnh trập trùng cứ lặp lại trong tâm trí, từ đó đã đưa đẩy tôi sáng tác tác phẩm. Bức tranh không phải là một minh hoạ cho những gì bài thơ muốn nói, mà là phần tiếp nối của luồng cảm xúc đó, được phái sinh qua những thăng hoa trong lúc thực hành hội hoạ.
Như chị chia sẻ, quá trình lắng nghe-cảm nhận-trải nghiệm-suy tư… dần dần tạo nên hình hài một bức tranh khi ta cầm cọ vẽ. Phải chăng đây là yếu tố quan trọng làm nên tính uyển chuyển như dòng chảy cho một tác phẩm hội họa?
Sự nhịp nhàng, đường nét mềm mại, bố cục hài hoà, sắc độ và mang tính chuyển động có thể ví như năng lượng uyển chuyển của một tác phẩm hội họa.
Tôi nghĩ cảm xúc là thứ cần và tiên quyết, kết hợp với phương tiện - kỹ thuật để tạo nên tác phẩm. Nhưng không có nghĩa cứ rèn luyện tính kỹ thuật nhiều thì tính uyển chuyển sẽ nảy sinh, vì như tôi vừa chia sẻ ở trên, kỹ thuật là phương tiện để chuyển tải nguồn cảm xúc đó ra tác phẩm. Đó cũng là nguyên nhân mà một số ngành học liên quan đến tư duy sáng tác như hội hoạ, âm nhạc, kiến trúc, tạo mẫu… đòi hỏi người đó cần có năng khiếu, có tâm hồn dạt dào rung cảm là vậy.
Tôi nghĩ mình là kẻ mộng mơ mới “dũng cảm” làm điều mà ít người dám làm, vì bản thân chưa qua trường lớp hội hoạ. Nhưng vì chất chứa máu thi ca là nguồn cơn có sẵn cộng với đam mê tranh ảnh làm tôi luôn có tinh thần cảm nhận, học hỏi, quan sát các sự vật, hiện tượng xung quanh, từ môi trường sống, thiên nhiên, trong thi ca sách vở, bảo tàng, trên mạng, trong tất cả những thứ có thể mang đến cho tôi một điều gì đó, ngay cả việc tôi ngắm một đám mây. Đặc biệt, những hiện tượng có hình ảnh, màu sắc, giai điệu lại càng thu hút tôi một cách bí ẩn. Mà có khi nhờ vậy, tôi là một tôi tự nhiên không giống ai như cách tôi hiện diện trên cõi đời này vậy. Tôi vẽ bằng niềm yêu thích chân thành, hồn nhiên với ý thức hoàn thiện mỗi ngày.
Đoàn Quỳnh Như có chia sẻ về việc không thông qua trường lớp hội họa nào, vậy chị nhận ra mình có thiên hướng làm nghệ thuật (painting) từ lúc nào và bắt đầu quá trình đó ra sao?
Có lẽ cách đây 12 năm, lần đầu tiên đến Hà Lan và được đi chiêm ngắm các tác phẩm lừng danh tại viện bảo tàng Vincent Van Gogh. Đó là những ám ảnh ấn tượng đầu tiên làm nảy mầm niềm ham mê hội hoạ về sau chăng?!
Hội hoạ đến với tôi có thể hình dung như một loại trái cây sau bao ngày hội tụ đủ nắng gió mưa sa rồi dần chín và lên men tựu rượu. Đó là một trình tự thiên nhiên và dĩ nhiên không phải vị rượu nào cũng có thể làm hài lòng khẩu vị của tất cả mọi người.
Có lẽ, chị đã lắng nghe tiếng gọi bên trong về tiềm năng nghệ thuật này rất nghiêm túc?
Lắng nghe tiếng gọi bên trong của mỗi chúng ta rất quan trọng, có thể nói đó là bộ não thứ hai, là trực giác cảm xúc. Ta nên học cách giao tiếp với chính bản thể, để hiểu những gì mà trực giác đang lên tiếng và cũng thấu hiểu nhu cầu cảm xúc nằm sâu bên trong mình. Tĩnh tại tập trung nhìn nhận tiếng nói bên trong, tôi đã thấu hiểu thực sự cảm xúc mình muốn gì. Việc tự khám phá cảm xúc và dòng chảy đó giúp tôi thực hành đối thoại với bản thân cũng như đối thoại với nhân gian. Khi lắng nghe được tiếng nói bên trong, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn.
Chị có quan điểm ra sao về điều này: “Marina Abramović nhấn mạnh bà đã bị đặt trong khái niệm "woman artist" (nữ nghệ sĩ) như thể xuyên suốt cuộc đời mình, nhưng tuyên bố của bà vô cùng đơn giản: "Khi sinh ra, giới tính của tôi là nữ. Nhưng tôi là nghệ sĩ, và nghệ thuật thì không có giới tính. Bà cũng không quan trọng đó là nghệ sĩ nam, nữ, chuyển giới, đồng tính, da trắng hay da màu... Nghệ thuật là một thứ độc nhất, và chỉ có hai loại là: nghệ thuật dở hay tốt mà thôi! Và giờ đây, thật quan trọng để nói về chất lượng nghệ thuật chứ không phải là sự phân biệt giới tính nữa."
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của nghệ sĩ Maria Abramovíc. Đúng vậy, nghệ thuật thì không có giới tính.
Tất nhiên, chúng ta sẽ không có sự phân biệt giới tính trong nghệ thuật, nhưng tính nữ lại là một điều tốt đẹp. Ngay cả những nghệ sĩ là nam mà tôi từng phỏng vấn, tính nữ trong tác phẩm của họ như làm nên vẻ đẹp cho tác phẩm đó. Chị quan niệm ra sao về tính nữ của một bức họa, của một tác phẩm nghệ thuật nói chung?
Theo tôi tính nữ trong hội hoạ là chạm đến cái đẹp, tính uyển chuyển mềm mại, sắc độ, cách dùng màu, bố cục và đòi hỏi sự bay bổng, tức là giá trị vô hình mà tác phẩm mang lại.
Khi xem tranh của Đoàn Quỳnh Như, tôi thấy một quá trình xử lý chất liệu khá thông minh. Có thể nói, chị đã làm mềm mỏng kỹ thuật bằng cảm xúc và trực giác của mình. Chị có thể chia sẻ về quá trình thử nghiệm chất liệu, và những lúc “thất bại”, chị đã chuyển hướng xử lý như thế nào?
Ban đầu, tôi cũng tìm hiểu trong sách vở, và nhất là chú ý cách mà nhiều nghệ sĩ modern art thực hành trên mạng. Từ đó, tôi cũng tự thực hành và rút ra kinh nghiệm phù hợp cho bản thân. Tôi từng thử nghiệm màu nước, tempera, gouache và acrylic trên giấy, trên canvas và trên gỗ. Những lúc thất bại, tôi sẽ bỏ để làm lại, có khi mình chồng lên nó một ý tưởng khác để xem kết quả ra sao.
Triết lý khi làm nghệ thuật của của chị là gì?
Là khi tác phẩm làm cho các sợi dây giác quan bật lên cảm xúc rung động qua con đường thị giác. Tác phẩm thu hút ta, khiến ta vương vấn hay lạc vào đó lại càng thú vị. Một bức tranh đẹp không chỉ riêng ở thể hiện mà còn kích thích khiến một thứ gì đó chuyển động chạm vào mỗi người ở khía cạnh cá nhân.
Tôi nghĩ, là nghệ sĩ, trước hết hãy tự do, tự cởi trói cho mình, nên thoát ra khỏi chai lỳ định kiến, được lặn ngụp trong miền sáng tạo chính mình. Đối với tôi đó là một đặc ân, niềm hạnh phúc lớn lao.
Như chị có chia sẻ về ý “tự do và cởi trói cho mình”, thực ra trong ngành nghề nào, chúng ta cũng thấy sự so sánh và phê phán với con người kia, với cách thực hành kia của họ. Phải chăng điều này sẽ làm mất đi tính thiện trong sáng tác của chúng ta. Chị có quan điểm ra sao về điều này?
Tôi thích câu nói mà bản thân từng đọc đâu đó rằng, cái đẹp do mỗi nghệ sĩ định nghĩa và nếu ai đó nghĩ rằng họ phải thể hiện một cái gì đó xấu xí với sự quan tâm đến nó, thì đó cũng là một tuyên bố về cái đẹp.
Theo tôi, nghệ thuật chỉ để cảm nhận nên tránh sự so sánh hay phê phán bởi nó nghiêng về tâm lý- lãnh địa bên trong của người nghệ sĩ. Không ai sống thay hay nhìn nhận thay cho chính cuộc sống của người khác. Chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt vì sự sống vốn muôn hình vạn trạng.
Về những mục tiêu hay thử nghiệm mới tiếp theo của Đoàn Quỳnh Như?
Hiện tại mỗi ngày tôi vẫn suy tưởng, thực hành, lắng nghe tiếng nói nội tại cũng đang trải nghiệm với một thử nghiệm mới mà tôi tự khám phá ra nhưng còn quá sớm để chia sẻ về nó.